Việc di chuyển của con người đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân: từ đi làm hàng ngày, đi chơi với bạn bè, thăm khám sức khỏe…. Các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội và giới tính có thể ảnh hưởng đến các mô hình di chuyển của con người. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng di chuyển quãng đường ngắn hơn so với nam giới. Tuy nhiên, hiện có ít nghiên cứu xem xét các tổng hợp tác động của tình trạng kinh tế xã hội và giới tính.
Macedo và các đồng nghiệp đã thực hiện phân tích thống kê dữ liệu từ một số cuộc điều tra du lịch quy mô lớn được thực hiện ở các thành phố lớn như Medellín và Bogotá ở Colombia, São Paulo ở Brazil. Các cuộc điều tra bao gồm các câu hỏi về nơi những người tham gia thường xuyên đi lại trong thành phố, mục đích của chuyến đi và thông tin kinh tế xã hội.
Phù hợp với các nghiên cứu trước đây, phân tích cho thấy các di chuyển của phụ nữ có xu hướng tập trung ở một số khu vực địa lý nhỏ hơn so với các di chuyển của nam giới. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế, xã hội có ảnh hưởng thống kê lớn hơn so với giới tính. Với những người giàu có dường như có nhiều lựa chọn hơn về nơi họ di chuyển trong thành phố. Những người tham gia điều tra thuộc tầng lớp trung lưu có kiểu di chuyển đa dạng nhất. Những người có tình trạng kinh tế xã hội thấp hơn hạn chế việc di chuyển hơn có lẽ do thiếu phương tiện đi lại giá rẻ.
Tuy nhiên, trong mỗi nhóm kinh tế xã hội, nam giới luôn thể hiện mức độ di chuyển cao hơn trong mô hình di chuyển so với phụ nữ. Khoảng cách rõ rệt nhất xảy ra đối với tầng lớp thượng lưu. Điều này có thể do bất bình đẳng giới lớn hơn trong một số lĩnh vực chuyên môn, ảnh hưởng đến việc đi làm. Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận, tình trạng kinh tế xã hội có thể làm tăng sự khác biệt cơ bản về giới trong các mô hình di chuyển của con người.
Nhóm tác giả cũng lưu ý các mô hình mà họ quan sát được có thể không nhất thiết khái quát cho các thành phố khác. Trên thực tế, họ đã quan sát thấy những thay đổi theo thời gian có thể liên quan đến sự chuyển dịch điều kiện kinh tế ở các thành phố được nghiên cứu. Nghiên cứu trong tương lai có thể khám phá các mô hình di chuyển ở các thành phố khác và kết hợp các yếu tố bổ sung, ví dụ như tuổi và nghề nghiệp.
Các tác giả cho biết thêm: “Các nhu cầu và trách nhiệm hàng ngày định hình khả năng di chuyển của phụ nữ và nam giới. Bằng cách nghiên cứu tính di chuyển của ba khu vực đô thị ở Nam Mỹ, chúng tôi nhận thấy rằng giới tính và tình trạng kinh tế xã hội góp phần vào sự khác biệt trong cách di chuyển trong không gian đô thị.”
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://phys.org/news/2022-03-gender-socioeconomic-status-people-patterns.html