Sáng ngày 6/12/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo tổng quan về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA) của Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng số liệu của nghiên cứu Tài khoản chuyển nhượng quốc gia để xây dựng chính sách”. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và Ông Matt Jackson, trưởng đại diện UNFPA đồng chủ trì hội thảo
Tham dự Hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; các Bộ, ngành có liên quan; cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế. 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố và 2 Trường Cao đẳng Thống kê tham dự qua hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của Tài khoản chuyển nhượng quốc gia: “Là một phương pháp toàn diện và hệ thống được sử dụng để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua vòng đời kinh tế và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ. Phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế thế hệ cũng như cách các thế hệ ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đến nay, nghiên cứu về Tài khoản quốc gia đã được hơn 70 quốc gia trên thế giới thực hiện và công bố. Phương pháp này không chỉ chứng minh được sự ưu việt trong phân tích các chỉ số kinh tế thông qua tuổi của dân số mà còn cho phép trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm”.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu tại hội thảo
Thông qua Hội thảo lần này, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương hy vọng Thống kê Việt Nam cùng với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế có cơ hội làm việc, chia sẻ với nhau các kiến thức, kinh nghiệm để giúp Thống kê Việt Nam có thêm năng lực tìm ra các nguồn thông tin, từ đó khai thác, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng và áp dụng phương pháp này một cách tốt nhất để cung cấp thêm bằng chứng phục vụ xây dựng các chương trình, chính sách cũng như thiết lập quy trình giám sát tác động của thay đổi nhân khẩu học đối với các chỉ số kinh tế quan trọng.
Tại hội thảo, Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Việt Nam khẳng định, UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng cục Thống kê thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành nhằm đảm bảo chất lượng dữ liệu thống kê. Ông Matt Jackson cho biết thêm: “Việc đầu tư thực hiện nghiên cứu về Tài khoản chuyển giao quốc gia là cần thiết vì nó cung cấp thêm bằng chứng cho việc xây dựng các chương trình, chính sách chuẩn bị cho già hóa dân số. Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia cung cấp phương thức đánh đánh giá tác động của những thay đổi về nhân khẩu học, trong đó có thu nhập quốc gia và chi công, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Những dữ liệu này sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trả lời cho những câu hỏi chính sách quan trọng có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, bền vững tài chính và công bằng giữa các thế hệ.”
Thời gian Hội thảo, TCTK đã trình bày báo cáo và đưa ra một số phát hiện quan trọng từ kết quả nghiên cứu Tài khoản chuyển nhượng quốc gia. Theo đó, các nội dung được đưa ra bao gồm: Dân số ở những độ tuổi khác nhau sẽ có các đặc điểm và mức thu nhập cũng như tiêu dùng khác nhau; Trẻ em và người cao tuổi thường chi tiêu nhiều hơn thu nhập, trong đó trẻ em có thể được chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục, trong khi người cao tuổi chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn; Người ở giai đoạn trưởng thành thường lao động và tạo ra nhiều thu nhập hơn chi tiêu nhưng cơ cấu thu nhập và chi tiêu giữa các độ tuổi trưởng thành cũng rất khác nhau; Chênh lệch giữa tiêu dùng và thu nhập của dân số nói chung hoặc ở độ tuổi/nhóm tuổi nào đó có giá trị dương được gọi là thâm hụt vòng đời kinh tế, có giá trị âm được gọi là thặng dư vòng đời kinh tế;
Tổng mức thâm hụt vòng đời của dân số Việt Nam năm 2022 là 364,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Bình quân, mức thâm hụt vòng đời của mỗi người dân Việt Nam trong năm 2022 là 3,7 triệu đồng/người; Dân số Việt Nam tạo ra giá trị thặng dư kinh tế khi ở độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi. Độ tuổi rực rỡ nhất để lao động tạo ra thặng dư kinh tế thuộc về nhóm tuổi từ 25 đến 49 tuổi. Khoảng gần 90% tổng giá trị thặng dư toàn xã hội do lao động trong độ tuổi này tạo ra. Đây là một trong những bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh.
Với cấu trúc dân số hiện nay, người dân Việt Nam có khoảng 31 năm, tương ứng với độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi để tạo ra “thặng dư vòng đời”. Trong khi đó, khoảng hơn 42 năm còn lại (vì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi), tương ứng với độ tuổi từ 0 đến 21 tuổi và từ 54 tuổi trở lên, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “thâm hụt vòng đời”. Thời gian kinh tế thâm hụt dài hơn so với thời gian kinh tế thặng dư.
Các báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, trên quan điểm của tài khoản chuyển nhượng quốc gia, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam hiện nay không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam.
Tuy nhiên, lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba. Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế – xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai. Đặc biệt, nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.
Một số kiến nghị được TCTK đưa ra tại hội thảo là việc tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào, cần tiếp tục giữ nguyên giá trị trong chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động song song với việc tiếp tục triển khai chính sách đảm bảo hiệu quả kinh tế và ổn định xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện đồng thời các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi, góp phần tạo thêm thu nhập, giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” nhằm tận dụng lợi tức nhân khẩu học thứ hai cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động ở Việt Nam thông qua NTA, các kết quả đạt được cũng như các vấn đề còn bất cập cần tiếp tục có sự nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.
Kết luận tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương tiếp tục nhấn mạnh sự ưu việt của tài khoản chuyển nhượng quốc gia trong việc phân tích các chỉ số kinh tế thông qua tuổi của dân số và bổ sung cách tiếp cận mới trong đo lường thu nhập quốc gia. Ngoài ra, NTA còn cho phép phân tích và trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm. Chính vì vậy, TCTK cần phải có sự tập trung đầu tư hơn nữa cả về con người và nguồn lực để thông tin thống kê có thể đáp ứng một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và thuận tiện nhất nhu cầu ngày càng cao của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước./.
Các đại biểu tham dự cùng chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo