Sáng ngày 30/3/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức buổi Hội thảo tính Chỉ số phát triển con người (HDI) tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo tại điểm cầu TCTK dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương còn có sự góp mặt của Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến; lãnh đạo cùng chuyên viên các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Bà Đỗ Lê Như Ngọc; Ông Trần Kim Đồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp TCTK, chuyên gia kinh tế cùng đại diện một số bộ, ngành có liên quan.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Hội thảo
Tại điểm cầu trực tuyến có sự tham gia của ông Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia của Liên hợp quốc; cùng một số chuyên gia về Chỉ số phát triển con người đang công tác tại các đơn vị liên quan khác.
Phát biểu khai mạc hội thảo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương thể hiện mong muốn hoàn thiện phương pháp tính chỉ số phát triển con người để có thể phản ánh, tiếp cận gần nhất với phương pháp luận của quốc tế đồng thời có thể triển khai được trên điều kiện của Việt Nam. Nhằm mục tiêu có thể cung cấp được số liệu HDI chất lượng cao đóng vai trò là một chỉ tiêu tổng hợp, đo lường sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương đáp ứng cho nhu cầu phổ cập thông tin toàn lãnh thổ Việt Nam.
Những năm gần đây, TCTK chịu trách nhiệm biên soạn, công bố chỉ số HDI của quốc gia trên một số xuất bản phẩm về thống kê. Nguồn dữ liệu đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tin cậy và sử dụng. Tuy nhiên với yêu cầu cao hơn, chi tiết hơn về chỉ số HDI ở cấp địa phương theo phương pháp luận của quốc tế. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia để tuyên truyền thêm về những kiến thức Thống kê, đặc biệt là những chỉ tiêu vĩ mô nhằm phục vụ cho quản lý và điều hành.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động trình bày toàn bộ nội dung của báo cáo kết quả Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Những nội dung đã thực hiện, tổng hợp và xin ý kiến đóng góp về phương pháp tính chỉ số HDI ở Việt Nam.
Kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và con người nói riêng giai đoạn 2016 -2020 đã đạt được những thành tựu nhất định phản ánh qua chỉ số HDI tổng hợp tăng dần theo các năm từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020 và từ năm 2019 HDI Việt Nam đã ở mức cao là trên 0,7. Xếp hạng HDI Việt Nam trên thế giới tăng 1 bậc, 2018 ở vị trí 118, đến năm 2019 lên 117. Xếp hạng HDI Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đứng thứ 7/11.
Theo đó, Chỉ số tổng hợp HDI được cấu thành từ 3 chỉ số thành phần: sức khỏe, giáo dục, thu nhập. So sánh năm 2016 với năm 2020 thì chỉ số sức khỏe tăng từ 0,822 lên 0,826; chỉ số thu nhập tăng từ 0,624 lên 0,664; chỉ số giáo dục tăng từ 0,618 lên 0,640. Xét đến năm 2020, trải qua 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 nước ta có thêm 11 tỉnh, thành phố đạt tổng 24 tỉnh, thành phố bước vào nhóm HDI cao.
Tuy nhiên, mức độ tăng của HDI của cả nước cũng như các địa phương còn rất thấp, năm 2020 chỉ tăng 0,024 so với năm 2016 và bình quân mỗi năm chỉ tăng 0,9%. HDI của một số địa phương đang có dấu hiệu chững lại.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu trong Báo cáo cũng như thấy được tầm quan trọng của Chỉ số HDI đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy cần thiết phải xin ý kiến về một số vấn đề còn hạn chế như sau:
- Trong y tế, cần tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế gia đình. Trong giáo dục, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm hiện nay. Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù đã được kiềm chế, nhưng lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao; cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ. Là một chỉ số quan trọng đòi hỏi có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Ngoài những khía cạnh có thể nắm bắt được, còn một số vấn đề không thể bao quát như: sự tự do, quyền kinh tế, sự ổn định xã hội chính trị cũng như những vấn đề về bảo vệ chống bạo lực, mất an ninh và phân biệt đối xử.
- TCTK mang nhiệm vụ biên soạn và công bố chỉ số HDI và báo cáo phát triển con người (HDR) của cả nước và địa phương nên cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương trong việc thu thập, rà soát và tổng hợp thông tin đầu vào phục vụ biên soạn HDI và HDR. Đi cùng với đó là mong muốn sự hợp tác dài lâu của các Cơ quan Thống kê các quốc gia, các Tổ chức quốc tế giúp hỗ trợ, hoàn thiện phương pháp tính HDI theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo, theo bà Đỗ Lê Như Ngọc, đại diện chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, UNDP đề cao vai trò của TCTK trong việc tính và biên soạn báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 sử dụng phương pháp thống nhất với UNDP. Qua đó có thể giúp định hướng chính sách ở cấp trung ương và địa phương tăng cường khả năng chống chịu với bệnh tật và có thể là những bất ổn về kinh tế trong tương lai.
Tại hội thảo, ông Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên hợp quốc phát biểu cho ý kiến về cách tính chỉ số phát triển con người và so sánh với cách tính của quốc tế. Ông đã đưa ra những góp ý giúp cho TCTK tính toán phù hợp với điều kiện quốc gia.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cảm ơn ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại biểu để giúp tổ biên soạn thấy được những việc đã làm được và những việc cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới trong đó chỉ tiêu thu nhập cần được hoàn thiện. Phương pháp tính chỉ số phát triển con người theo hướng tìm phương án sát với phương pháp tính của quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các đại biểu trong tính chỉ số phát triển con người. Tính chỉ số phát triển con người không mới nhưng là công việc khó. TCTK thống nhất tiếp cận tối đa đến quy chuẩn hoặc phương pháp và cách thức triển khai để hướng đến áp dụng tối đa phương pháp luận của quốc tế trên cơ sở khai thác mọi điều kiện thực tiễn ở Việt Nam./.