Hội nghị “Những bất ổn về thị trường lao động của thanh thiếu niên” (Conference on Labour market uncerrtainties for youth and young adults) được Viện nghiên cứu Châu Á, Trường Đại học Quốc gia Singapore (Asia Reseach Institue, National University of Singapore) tổ chức từ ngày 9 đến ngày 10/11/2017 tại Singapore. Tham dự Hội nghị, hơn 20 nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và các Viện nghiên cứu hàng đầu của các nước trên thế giới, đã trình bày các nghiên cứu về những bất ổn của thị trường lao động trẻ, gồm: Đại học Quốc gia Singapore; Các trường Đại học của Mỹ: Houston, Maryland, Uta, Johns Hopkins; Đại học Oxford, Vương quốc Anh; Đại học Bamberg, Đức; Đại học Santo Tomas, Philipines; Đại học Hong Kong, Trung Quốc; Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc; Đại học Keio, Nhật Bản; Đại học Jawaaharlal Nehru, Ấn Độ; Đại học Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất; Tổng cục Thống kê, Việt Nam; Viện nghiên cứu thị trường lao động Lithuanian. Các nghiên cứu tập trung phân tích những bất ổn của thị trường lao động trẻ như: Thực trạng lao động và việc làm của thanh thiếu niên sau khi hoàn thành các chương trình giáo dục đào tạo; Bất bình đẳng về lao động trẻ, trình độ giáo dục và đạo tạo của lao động trẻ; Những cơ hội và thách thức của thị trường lao động nữ khi chuyển tiếp từ trường học đến việc làm, ….
Đại diện của Tổng cục Thống kê (Viện Khoa học Thống kê) tham dự và trình bày nghiên cứu “Phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến các giai đoạn chuyển tiếp từ trường học đến việc làm trên thị trường lao động của thanh thiếu niên Việt Nam”. Nghiên cứu sử dụng mô hình phân tích đa biến Multinomial Marginal Effect (phân tích tác động biên) để phân tích những yếu tố tác động đến việc tham gia vào thị trường lao động của thanh thiếu niên Việt Nam, từ kết quả của Điều tra Chuyển tiếp từ trường học đến việc làm năm 2013 do Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động quốc tế tổ chức, thực hiện.
Kết quả nghiên cứu phản ánh: Các yếu tố như trình độ giáo dục, giới tính, thành thị – nông thôn, vùng, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, tình trạng giàu nghèo có ý nghĩa thống kê đối với các giai đoạn chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của thanh thiếu niên Việt Nam. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra việc thanh thiếu niên có trình độ giáo dục đào tạo cao có xu hướng chưa sẵn sàng chuyển tiếp vào thị trường lao động so với các thanh thiếu niên có trình độ giáo dục đào tạo thấp hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra những khuyến nghị, để tạo điều kiện tốt hơn cho thanh thiếu niên tham gia vào thị trường lao động, các nhà hoạch định chính sách cần phải tập trung vào các chính sách đảm bảo thanh niên có thể tiếp cận được với giáo dục và khuyến khích thanh niên tiếp tục ở lại trường học, thúc đẩy vai trò của giáo dục, như là cơ hội thứ hai để giúp thanh niên nắm bắt được những thành quả mà giáo dục tạo ra trong cuộc sống; Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo nghề, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội hoạt động kinh tế.
Nội dung chi tiết Hội nghị xem tại: https://ari.nus.edu.sg/Event/Detail/aed32852-d5aa-4e32-bbdb-94d98abadeba
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Văn Thụy