Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho các cơ quan và tổ chức Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Chiến lược An sinh Xã hội giai đoạn 2011-2020”, ngày 7 tháng 10 năm 2011, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) phối hợp với Viện Hanns Seidel (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “An sinh xã hội khu vực phi chính thức ở Việt Nam – Những kinh nghiệm và thách thức” nhằm giới thiệu, chia sẻ những kết quả nghiên cứu đánh giá và rà soát chính sách an sinh xã hội cho khu vực phi chính thức ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – và ông Axel Neubert, Trưởng Đại diện Viện Hanns Seidel tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước như Tổng Cục Thống kê, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các đơn vị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện các viện nghiên cứu (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Thống kê, Viện Khoa học Bảo hiểm…). Ngoài ra hội thảo còn có sự có mặt của một số đại diện các tổ chức quốc tế như UNICEF, GIZ,…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 3 bài trình bày của các diễn giả trong và ngoài nước: (1) “An sinh xã hội cho khu vực phi chính thức ở Việt Nam – Bằng chứng từ các dữ liệu và nghiên cứu hiện có” (do TS. Matthias Meissner, chuyên gia về An sinh xã hội của ILSSA, đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày); (2) “Khu vực phi chính thức – Một số kết quả từ cuộc khảo sát tại Hà Nội và TP. HCM” (do ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thống kê trình bày); (3) “Nghiên cứu khả năng tiếp cận các chính sách việc làm, dạy nghề và bảo hiểm xã hội ở khu vực phi chính thức” (do PGS. TS. Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày).
Hội thảo đã dành thời gian cho các đại biểu trao đổi và thảo luận về các vấn để nghiên cứu. Qua đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã có những ý kiến đóng góp rất có giá trị cho các diễn giả và các nghiên cứu.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng khu vực phi chính thức ở Việt Nam hiện nay chưa được quan tâm và hỗ trợ đúng mức về mặt chính sách, đặc biệt là ở khía cạnh an sinh xã hội. Do vậy việc tăng cường tiếp cận của khu vực phi chính thức tới các chính sách an sinh xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên cần nghiên cứu khu vực phi chính thức nhiều hơn nữa để có thêm các bằng chứng, số liệu thực chứng làm căn cứ đưa ra các khuyến nghị về chính sách phù hợp.
Đinh Bá Hiến