Tại Hội thảo, đại diện ESCAP cho biết, theo báo cáo năm 2021 của PARIS21, chưa đến một phần tư các vị trí lãnh đạo cao nhất (Tổng cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan Thống kê) của các cơ quan thống kê quốc gia là phụ nữ. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, con số này rất nhỏ, chỉ chiếm 18%. Trong từng khu vực, tỷ lệ này càng ít hơn. Đảm đương trọng trách đứng đầu một cơ quan Thống kê quốc gia là một công việc vất vả, phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt đối với các nữ Thủ trưởng thì việc này còn khó khăn hơn. Do đó, Mạng lưới hỗ trợ các nữ Thủ trưởng cơ quan thống kê quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một sáng kiến với mong muốn hỗ trợ nữ Thủ trưởng trong nỗ lực thực hiện và đảm đương trọng trách đứng đầu cơ quan thống kê. Mạng lưới này sẽ hoạt động theo cơ chế tự quản lý bởi chính các thành viên tham gia, dự kiến họp định kỳ 2 tháng một lần theo hình thức trực tuyến và sẽ tạo lập một nhóm hỗ trợ nhau trên không gian số an toàn, để các nữ Thủ trưởng có thể hỗ trợ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác điều hành, xử lý các tình huống trong thực hiện các hoạt động thống kê. Mạng lưới sẽ hoạt động nguyên tắc đảm bảo tính bảo mật, tất cả các thành viên cùng tham gia tích cực để nhóm hoạt động hiệu quả.
Các vấn đề về hình thức, cách thức và nguyên tắc hoạt động để đảm bảo mạng lưới hoạt động hiệu quả đã nhận được nhiều ý kiến, đóng góp từ các đại biểu.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá, đây là một diễn đàn hay, thể hiện bình đẳng giới trong cơ quan thống kê và để các nữ Thủ trưởng các cơ quan thống kê quốc gia hiểu nhau hơn, chia sẻ nhiều hơn trong điều hành các hoạt động thống kê. Góp ý cho việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ các nữ Thủ trưởng cơ quan thống kê quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, mạng lưới nên tập trung vào việc hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong hoạt động thống kê, ví dụ như việc thực hiện báo cáo hàng tháng tần suất nhanh để phục vụ điều hành của Chính phủ, kết nối tổng điều tra dân số và nhà ở với cơ sở dữ liệu quốc gia… Về cách thức, mạng lưới nên chọn các chủ đề nổi cộm thiết thực trong khu vực, để giải quyết các vấn đề thách thức. Về thời gian, do khối lượng công tác thống kê cần phải triển khai là rất lớn, ngành Thống kê Việt Nam phải chịu trách nhiệm báo cáo tình hình kinh tế – xã hội đến tận cấp huyện, do đó nên tổ chức họp hàng quý với nội dung, chủ đề cụ thể; có thể họp đột xuất hàng tháng.
Đối tượng tham dự khóa đào tạo sẽ là: (1) Các công chức cấp cao (cả nam và nữ) của các hệ thống thống kê quốc gia, gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thống kê quốc gia; Người đứng đầu các đơn vị thống kê hoặc các tổ chức thống kê lớn khác; Vụ trưởng các vụ nghiệp vụ/kỹ thuật… (2) Các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định, những người chịu trách nhiệm về chức năng của các tổ chức thống kê.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, Việt Nam có 50% lãnh đạo là nữ ở cơ quan thống kê Trung ương và hơn 30% lãnh đạo nữ trong toàn ngành từ Trung ương đến địa phương. Đánh giá cao Mô-đun đào tạo về Lộ trình hướng tới Bình đẳng giới trong Lãnh đạo thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, đây là cơ hội tốt để nữ lãnh đạo thống kê các cấp có dịp tham gia, học hỏi kiến thức từ các nước bạn. Bà gợi ý, ESCAP có thể có hình thức đào tạo phù hợp để lãnh đạo nữ các cấp đều có thể truy cập, xem lại các kiến thức được đào tạo.