Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (Dự án 00068992), ngày 26/9/2013, Tổng cục Thống kê (Viện Khoa học Thống kê) phối hợp với Ban quản lý Dự án 00068992 tổ chức Hội thảo “Tài liệu hướng dẫn theo dõi và đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (CLTK11-20). Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện CLTK11-20 chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại diện của các Bộ, ngành (Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), đại diện các đơn vị trong Tổng cục, thành viên Tổ thư ký thực hiện CLTK11-20; đại diện một số Cục Thống kê (Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) và các chuyên gia trong nước của Dự án.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phẩm, chuyên gia trong nước biên soạn Tài liệu hướng dẫn theo dõi và đánh giá thực hiện CLTK11-20 đã trình bày các nội dung chính của Dự thảo tài liệu với các nội dung: (1) Mục tiêu của tài liệu; (2) Tổng quan Khung theo dõi và đánh giá thực hiện CLTK11-20; (3) Hệ thống theo dõi và đánh giá; (4) Tiến hành theo dõi và đánh giá; (5) Tổ chức theo dõi và đánh giá; (6) Điều kiện thực hiện; và (7) Mẫu báo cáo theo dõi và đánh giá.
Trên cơ sở các nội dung của Dự thảo tài liệu do ông Phẩm trình bày, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp các ý kiến để hoàn thiện hơn tài liệu này. Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe 03 bài tham luận của các đại biểu: ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê; ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục Đào tạo; và ông Nghiêm Đình Thuận, Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh. Các tham luận và góp ý của đại biểu đều cho rằng, mặc dù Tài liệu lần này đã có những cải tiến tốt hơn so với lần Hội thảo trước, tuy nhiên Tài liệu vẫn còn phức tạp, nói cách khác là tính khả thi chưa được cao. Tài liệu cần nêu rõ các mối quan hệ giữa cơ quan thực hiện theo dõi và đánh giá, đặc biệt là đối với thống kê của sở, ngành tại địa phương. Báo cáo theo dõi và đánh giá nên lồng ghép vào báo cáo hàng năm của các Bộ, ngành. Biểu mẫu báo cáo nên điều chỉnh lại sao cho thuận tiện và khả thi đối với đơn vị thực hiện theo dõi và đánh giá cũng như đơn vị thực hiện tổng hợp, báo cáo. Điều kiện để thực hiện theo dõi và đánh giá thực hiện CLTK11-20 nêu trong Tài liệu chưa được cụ thể,…
Thay mặt cho đơn vị chủ trì biên soạn Tài liệu, ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê xin tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Trên cơ sở các góp ý này, Viện Khoa học Thống kê sẽ cùng với chuyên gia biên soạn Tài liệu sẽ nghiên cứu và hoàn thiện lại Tài liệu. Sau khi Tài liệu được hoàn thiện sẽ tiến hành thử nghiệm tại một số đơn vị trước khi trình ban hành chính thức. Khi Tài liệu đã được ban hành chính thức, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức tập huấn về theo dõi và đánh giá thực hiện CLTK11-20 cho các đối tượng thực hiện theo dõi và đánh giá.
Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng Tài liệu hướng dẫn theo dõi và đánh giá thực hiện CLTK11-20 là một công cụ để thực hiện thành công CLTK11-20. Việc biên soạn Tài liệu được thực hiện rất công phu, để đảm bảo tính khả thi thì đơn vị chủ trì biên soạn Tài liệu đã hội thảo, thử nghiệm và tham vấn tại nhiều đơn vị. Tài liệu được biên soạn dựa trên 5 nguyên tắc: (1) Bám sát các nội dung, hoạt động của CLTK11-20; (2) Đảm bảo tính khả thi; (3) Gắn theo dõi và đánh giá với công tác chuyên môn của các đơn vị; (4) Phù hợp với các đối tượng áp dụng; và (5) Không cầu toàn. Dựa trên các nguyên tắc này, Viện Khoa học Thống kê, đơn vị chủ trì biên soạn Tài liệu hướng dẫn cần thực hiện các việc sau:
(1) Rà soát lại nội dung của Tài liệu hướng dẫn, đặc biệt là các tiêu chí theo dõi và đánh giá, cố gắng lượng hóa những chỉ tiêu có thể lượng hóa được. Rà soát và bổ sung các hoạt động của CLTK11-20 còn thiếu. Đồng thời rà soát lại các sơ đồ trong Tài liệu để tránh sự trùng lặp và mẫu thuẫn.
(2) Tài liệu cần làm rõ các điều kiện để thực hiện theo dõi và đánh giá, chủ yếu là về kinh phí và đào tạo nhân lực theo dõi và đánh giá cho các Bộ, ngành và địa phương.
(3) Tài liệu cần xác định rõ vai trò quản lý của các cấp trong theo dõi và đánh giá, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu về vai trò của thống kê các Sở, ngành và Cục Thống kê ở địa phương.
(4) Viện Khoa học Thống kê nghiên cứu và đề xuất để xây dựng phần mềm tin học phục vụ theo dõi và tổng hợp báo cáo
(5) Viện Khoa học Thống kê cùng với chuyên gia khẩn trương hoàn thiện Tài liệu để ban hành chính thức trong tháng 10/2013 và xây dựng kế hoạch tập huấn về công tác theo dõi và đánh giá cho các đối tượng thực hiện.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Phẩm, chuyên gia trong nước trình bày về Dự thảo Tài liệu hướng dẫn theo dõi và đánh giá thực hiện Chiến lược
Ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tham luận tại Hội thảo
Ông Nghiêm Đình Thuận, Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh phát biểu tham luận tại Hội thảo
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
ĐBH