Sáng ngày 17/12/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, có bà Ngô Thị Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Giám sát và Đánh giá của UNICEF; Chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Viện nghiên cứu và phát triển Mekong; đại diện các Bộ/ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học; đại diện các tổ chức quốc tế: UNICEF, Ngân hàng Thế giới; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK.
Trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa TCTK và UNICEF năm 2020 – 2021, năm 2020, Dự án đã tiến hành các hoạt động nhằm giám sát và đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam, trong đó có hoạt động biên soạn báo cáo “Trẻ em nghèo đa chiều tại Việt Nam”. Nghèo đa chiều trẻ em được xác định dựa vào Quyền trẻ em thông qua 8 chiều phúc lợi cơ bản về y tế, dinh dưỡng, học tập, nhà ở, nước sạch/vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí và hòa nhập xã hội. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh thêm: Với nguồn số liệu phong phú, đặc biệt là số liệu từ các cuộc điều tra hộ gia đình như: Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam, Điều tra Quốc gia về người khuyết tật, các cuộc tổng điều tra, TCTK được UNICEF hỗ trợ biên soạn báo cáo nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam với hai mục tiêu chính là cập nhật tình hình thực trạng và xu hướng nghèo đa chiều ở trẻ em trong giai đoạn 2014-2018 sử dụng phương pháp luận của UNICEF và phân tích nghèo đa chiều ở trẻ em khuyết tật. Với mục tiêu trên, TCTK mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực giảm nghèo và chăm sóc trẻ em từ các Bộ/Ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế để hoàn thiện báo cáo.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng TCTK phát biểu khai mạc Hội thảo
Bà Ngô Thị Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Giám sát và Đánh giá của UNICEF cho biết, theo nghiên cứu của UNICEF và UN thì trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng rất mạnh từ nghèo đói và các vấn đề xã hội. Năm 2006, UNICEF đã cùng TCTK và Bộ Lao động thương binh và xã hội đã nghiên cứu và đề xuất một phương pháp luận đo lường nghèo đa chiều trẻ em căn cứ vào quyền của trẻ em những điều kiện cho sự phát triển của trẻ. Những nghiên cứu này sẽ giúp phân tích nghèo đa chiều được đầy đủ, đa dạng nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ trẻ em cụ thể hơn.
Bà Hoa cũng cho biết, sau hội thảo, TCTK và UNICEF sẽ hoàn thiện báo cáo và dựa trên xây dựng phương pháp tính nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ xây dựng phương pháp tính nghèo đa chiều của trẻ em trong thời gian tới. Theo đó, phương pháp này sẽ được tiếp cận dựa trên những vấn đề cơ bản của trẻ em, đăc biệt sẽ thêm các vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng các tham số cơ bản, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện theo hướng bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu về năng lực, cuộc sống và các yêu cầu mới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia Dự án đã trình bày Báo cáo nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam. Kết quả phân tích từ Khảo sát mức sống (KSMS) 2014-2018 cho thấy, tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều giảm nhanh qua các năm. Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều giảm nhanh, từ 21.2% vào năm 2014 xuống còn 14.5% vào năm 2018. Có 20% trẻ em ở Việt Nam năm 2018 nghèo ít nhất một thước đo nghèo. Một nửa số trẻ em nghèo đa chiều cũng là trẻ em nghèo theo chi tiêu. Khoảng 4,9% trẻ em nghèo ở cả 3 thước đo, 2,9% trẻ em chỉ nghèo tiền tệ, 2,1% trẻ em chỉ nghèo theo chuẩn quốc gia và 5,0% trẻ chỉ nghèo chuẩn đa chiều trẻ em. Khoảng 7.4% trẻ em nghèo đa chiều nhưng lại không nằm trong hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Điều đó có nghĩa là những trẻ em này sẽ không thể tiếp cận được tới các chương trình trợ giúp giảm nghèo quốc gia.
Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều có sự phân biệt rõ qua lứa tuổi: Nhóm trẻ 0-2 tuổi có tỷ lệ nghèo cao nhất (26,4% năm 2018), còn nhóm trẻ 6-10 tuổi có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất. Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là những vùng có tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều cao nhất của cả nước. Các vùng đồng bằng ĐBSH và ĐBSCL có tỷ lệ nghèo đa chiều trẻ em thấp nhất nước.
Nghèo đa chiều ở trẻ em cũng là rất cao ở các dân tộc thiểu số. Gần một nửa trẻ dân tộc thiểu số là nghèo đa chiều. So với trẻ em dân tộc Kinh/Hoa thì trẻ dân tộc thiểu số có tỷ lệ thiếu hút chỉ số nghèo đa chiều, ngoại trừ chỉ số bảo hiểm y tế, thấp hơn nhiều.
Về tình trạng nghèo chung, chiều môi trường và phát triển là hai chiều đóng góp nhiều nhất vào chỉ số nghèo đa chiều MPI, dù đây là các chiều đạt được nhiều cải thiện trong giai đoạn 2014-2018. Điều đáng lo lắng là một số chiều có đóng góp tương đối cao vào nghèo đa chiều chung như chiều dinh dưỡng và thông tin lại có sự cải thiện khá nhỏ trong những năm gần đây.
Trẻ em khuyết tật có tỷ lệ thiếu hụt cao hơn trẻ không khuyết tật ở tất cả các chỉ số của các chiều. Những chỉ số có mức độ chênh lệch lớn giữa trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật là các chỉ số về giáo dục và phát triển. Điều kiện nhà ở và môi trường của trẻ khuyết tật cũng kém hơn trẻ khác. Hạn chế trong tiếp cận giáo dục và môi trường hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng tới trình độ giáo dục và sức khỏe của trẻ khuyết tật, và trở thành rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm bền vững và có thu nhập cao của trẻ khi trưởng thành.
Căn cứ vào những phát hiện trong báo cáo, Nhóm chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách sau: (1) Chính phủ cần thể chế hóa nghèo đa chiều trẻ em thông qua ban hành chuẩn nghèo trẻ em và cơ chế đo lường nghèo đa chiều trẻ em ở Việt Nam. (2) Tăng cường chất lượng và việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho trẻ nhỏ, đặc biệt là tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch ở các vùng khó khăn và trẻ em dân tộc thiểu số. (3) Trẻ em khuyết tật thiếu hụt trầm trọng về các chiều phát triển như giáo dục và đồ chơi, và phải sống trong điều kiện sống kém hơn trẻ em khác, vì vậy, các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật cần phải chú trọng. (4) Các chỉ số nghèo đo lường nghèo đa chiều trẻ em cần tiếp tục được hoàn thiện. Các chỉ số liên quan đến dinh dưỡng của trẻ em như chiều cao, cân nặng hay khẩu phần ăn trong ngày nên được cân nhắc để đưa vào Bảng hỏi của KSMS để đo lường nghèo đa chiều một cách tốt hơn. Các chỉ số đo lường nghèo đa chiều trẻ em cần được vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia để phục vụ giám sát trẻ em nghèo đa chiều ở tầm vĩ mô…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã tham gia thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến hữu ích về các nội dung liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo và chăm sóc trẻ em, nhằm hoàn thiện báo cáo.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao các nội dung trong báo cáo nghèo đa chiều trẻ em Việt Nam, đồng thời, đề nghị nhóm chuyên gia kết hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo và chủ động bám sát theo bộ chuẩn nghèo mới…
Toàn cảnh Hội thảo
Nguồn: http://consosukien.vn/