Hội thảo Ứng dụng XBRL trong lập báo cáo điện tử của các cơ quan Chính phủ

Sáng ngày 7 tháng 7 năm 2017, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng ngôn ngữ báo cáo tác nghiệp mở (XBRL) trong lập báo cáo điện tử của các cơ quan Chính phủ”. Chủ trì Hội thảo, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính); Viện Khoa học Thống kê (Tổng cục Thống kê); Cục Công nghệ thông tin (Kho bạc Nhà nước); Cục Công nghệ thông tin (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); Cục Công nghệ thông tin và Thống kê (Tổng cục Hải quan) và ông Duk Yun Hwang, Chủ tịch ACI Cooperative (Hàn Quốc); ông Tae Hoon Lee, Giám đốc Công ty KOLON BENIT.

Ngày 27 tháng 11 năm 2014,  Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 3036/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Tài chính, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng ngôn ngữ XBRL trong toàn ngành Tài chính. Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Công ty KOLON BENIT (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo nhằm mục đích trao đổi về ứng dụng XBRL.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Xuân Nam, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết: Bộ Tài chính phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu quốc gia để tổng hợp, tích hợp và chuẩn hóa các thông tin thành hệ thống thống nhất. Cơ sở dữ liệu như một thư viện và phải là nguồn thông tin tin cậy để tra cứu phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và ứng dụng. Mọi thông tin hay các thông tin chuyên ngành có thể được truy cập, tiếp cận từ hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu được chia sẻ và trở thành tài sản chung của đất nước. Đồng thời cần thiết kế được một kho dữ liệu quốc gia về tài chính và quyết định về phương thức phù hợp nhằm cho phép các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực công của Chính phủ Việt Nam và các đơn vị sự nghiệp ở cấp trung ương và địa phương cũng như người dân được truy cập dữ liệu tài chính – ngân sách theo hướng tương tác, mở rộng và cung cấp các công cụ truy vấn dữ liệu tài chính linh hoạt cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương và người dân để phân tích và giám sát. Để làm được như vậy thì chúng ta cần chuẩn hóa về quy trình nghiệp vụ, các quy trình về tổ chức trao đổi thông tin, dữ liệu trong toàn Ngành và giữa ngành Tài chính với các Bộ, ngành khác,..

Nội dung chính hội thảo, gồm: (1) Hệ thống phân tích quản lý đối với các cơ quan chính phủ; (2) Ứng dụng XBRL trong xây dựng báo cáo điện tử của các cơ quan chính phủ và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng XBRL sử dụng ở nhiều cơ quan chính phủ các nước trên thế giới, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Ở Việt Nam Ngân hàng Nhà nước đang triển khai rất thành công hệ thống này. Điểm mạnh của các hệ thống ứng dụng XBRL là giúp các nhà quản lý nâng cao chất lượng dữ liệu và giúp cho quá trình làm báo cáo nhanh chóng hơn, tốn ít sức lực hơn. Còn đối với người dùng hệ thống sẽ giúp họ sử dụng thuận tiện, dễ dàng hơn. Thực tế, kinh nghiệm từ các nước đã chứng minh khối lượng công việc liên quan đến việc xác nhận dữ liệu đã giảm đi khoảng 30-40%, trong khi đó dữ liệu, thông tin vẫn có độ chính xác rất cao… Hội thảo cũng dành nhiều thời gian cho các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận.

Kết luận Hội thảo, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính đánh giá cao sự nỗ lực từ các chuyên gia Hàn Quốc đã chia sẻ các kinh nghiệm ứng dụng XBRL trong xây dựng báo cáo nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan chính phủ và nhận được nhiều quan tâm từ Bộ Tài chính Việt Nam. Để có thể triển khai ứng dụng XBRL trong ngành Tài chính, thời gian tới các bên có thể tham gia các khóa đào tạo để có thể hiểu rõ hơn về XBRL.

Một số hình ảnh Hội thảo:

Ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Duk Yun Hwang, Chủ tịch ACI Cooperative, Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo

Ông Tae Hoon Lee, Giám đốc Công ty KOLON BENIT trình bày ứng dụng XBRL

Toàn cảnh Hội thảo

Thái Học

Comments (0)
Add Comment