Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, theo kế hoạch công tác, năm 2022 sẽ thực hiện một số công việc chuẩn bị triển khai cho năm 2023 tới như: Xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thống kê sửa đổi năm 2021; Xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia; Quy trình biên soạn GDP, GRDP… Để đảm bảo tiến độ kế hoạch đã đề ra cũng như để có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực, các công việc cần được thực hiện đồng thời, song song. Trong thời gian qua, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê (Cục TTDL) đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai rà soát lại chương trình điều tra quốc gia trước đây được ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg và xây dựng Dự thảo chương trình điều tra thống kê quốc gia mới, gửi các đơn vị có liên quan xin ý kiến. Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị tập trung thảo luận để chương trình điều tra thống kê quốc gia mới sớm được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe Cục TTDL trình bày Dự thảo sửa đổi chương trình điều tra thống kê quốc gia, gồm các nội dung chính: Cơ sở pháp lý; Nguyên tắc sửa đổi; Nội dung sửa đổi; Bố cục và nội dung chính của dự thảo chương trình điều tra thống kê quốc gia; Danh mục chương trình điều tra thống kê quốc gia sửa đổi; Các văn bản xin ý kiến và lộ trình thực hiện.
Theo Dự thảo, Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình điều tra số 43) được xây dựng trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 (Luật số 89), bao gồm 186 chỉ tiêu thống kê. Tuy nhiên, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật số 01/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 (Luật số 01), bao gồm 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia. Để thu thập tổng hợp, biên soạn 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật số 01, Chương trình điều tra số 43 đã bộc lộ một số hạn chế bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ biên soạn, tổng hợp chỉ tiêu thống kê theo Luật số 01, Chương trình điều tra thống kê quốc gia cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung thông tin thu thập vào một số cuộc điều tra thống kê và bổ sung một số cuộc điều tra thống kê mới vào danh mục các cuộc điều tra thống kê quốc gia, đây là các cuộc điều tra thống kê nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê trong thời kỳ mới.
Theo dự thảo, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, trong đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra ở các lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
– Nhóm 01. Điều tra thống kê về lĩnh vực dân số, lao động việc làm và mức sống dân cư, gồm 4 cuộc điều tra: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; Điều tra lao động và việc làm; Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam.
– Nhóm 02. Điều tra thống kê về lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, gồm 9 cuộc điều tra: Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ; Điều tra diện tích gieo trồng cây nông nghiệp; Điều tra năng suất sản lượng cây hàng năm; Điều tra năng suất sản lượng cây lâu năm; Điều tra chăn nuôi; Điều tra lâm nghiệp; Điều tra kiểm kê rừng; Điều tra thủy sản.
– Nhóm 03. Điều tra thống kê về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, gồm 6 cuộc điều tra: Điều tra doanh nghiệp hàng tháng; Điều tra doanh nghiệp hàng năm; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hàng tháng; Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hàng năm; Điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp; Điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp.
– Nhóm 04. Điều tra thống kê về giá, gồm 8 cuộc điều tra: Điều tra giá tiêu dùng (CPI); Điều tra giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất; Điều tra giá sản xuất hàng hóa; Điều tra giá sản xuất dịch vụ; Điều tra giá xây dựng; Điều tra giá bất động sản; Điều tra giá tiền lương; Điều tra giá xuất khẩu, nhập khẩu.
– Nhóm 05. Điều tra thống kê về vốn đầu tư, xây dựng và tài khoản quốc gia, gồm 4 cuộc điều tra: Điều tra vốn đầu tư thực hiện; Điều tra hoạt động xây dựng; Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian; Điều tra thu thập thông tin tính các chỉ tiêu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi.
– Nhóm 06. Điều tra thống kê về lĩnh vực khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, gồm 5 cuộc điều tra: Điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ; Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông; Điều tra hiện trạng phổ cập dịch vụ thông tin và truyền thông; Điều tra thống kê thương mại điện tử.
– Nhóm 07. Điều tra thống kê về lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch và xã hội, gồm 6 cuộc điều tra: Điều tra cơ sở và nhân lực y tế ngoài công lập; Điều tra dinh dưỡng; Điều tra cơ sở giáo dục ngoài công lập; Điều tra hộ gia đình thu thập thông tin về du lịch; Điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam; Điều tra người khuyết tật.
So sánh với Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg thì dự thảo Chương trình điều tra thống kê quốc gia có một số thay đổi từ 50 cuộc xuống còn 43 cuộc; trong đó số cuộc điều tra do TCTK thực hiện giảm từ 35 cuộc xuống còn 31 cuộc; số cuộc điều tra thống kê do các Bộ, ngành thực hiện giảm từ 15 cuộc xuống còn 12 cuộc, cụ thể như sau: Số nhóm cuộc điều tra thống kê giảm 02 nhóm (09 nhóm còn 07 nhóm); số cuộc điều tra thống kê giảm 05 cuộc; số cuộc điều tra thống kê được giữ nguyên 31 cuộc; số cuộc điều tra thống kê được sửa đổi 13 cuộc; số cuộc điều tra thống kê được lồng ghép, sắp xếp quy hoạch lại 04 cuộc; số cuộc điều tra thống kê được loại bỏ 02 cuộc.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi chương trình điều tra thống kê quốc gia cũng như các công việc liên quan như: nội dung các văn bản trình Chính phủ phê duyệt; thể thức; số lượng các cuộc điều tra; các chỉ tiêu điều tra thống kê trong từng lĩnh vực; kinh phí điều tra.
Cũng tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của Cục TTDL trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia trong thời gian qua, song cần nghiên cứu kỹ hơn. Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Cục TTDL để việc lồng ghép cho phù hợp.
Kết luận Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương thống nhất một số nội dung liên quan và yêu cầu Cục TTDL với chức năng là đơn vị đầu mối tập trung xem xét phạm vi điều tra phải đầy đủ, đơn vị điều tra gồm: Doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức khác. Đảm bảo nguyên tắc đáp ứng các yêu cầu thông tin không có sẵn dựa trên nguyên tắc: đầy đủ, hiệu quả, và có tính khả thi trong thực tiễn. Tổng cục trưởng cũng đề nghị Cục TTDL cần phải có kế hoạch làm việc cụ thể với các đơn vị nghiệp vụ, các Bộ ngành, đồng thời hoàn thiện và gửi lại Dự thảo cuối cùng sớm nhất cho các đơn vị và có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho các phiên thảo luận với các Vụ nghiệp vụ và các địa phương để các công việc đảm bảo chất lượng và theo đúng tiến độ.
ĐN