Sáng ngày 13/7/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo Sổ tay hướng dẫn áp dụng danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc TCTK; đại diện các bộ, ngành có liên quan; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, ngày 26 tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg về Danh mục nghề nghiệp Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý nói chung, công tác thống kê về lao động, việc làm, công tác quản lý lao động theo nghề và so sánh quốc tế về nghề nghiệp. Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (VSCO 2020) được xây dựng trên cơ sở thống nhất hoàn toàn đến cấp 4 của Phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 2008) phiên bản 2012 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và hợp tác quốc tế về công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng nghề và dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế sử dụng danh mục nghề nghiệp 2008 và nhu cầu điều tra thống kê, TCTK đã cập nhật và phát triển theo nhu cầu thực tế, chi tiết thêm mã cấp 5 ở một số nghề phổ biến. Để áp dụng thống nhất VSCO 2020 trong hoạt động thống kê cũng như các hoạt động khác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, TCTK đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo “Sổ tay hướng dẫn áp dụng Danh mục nghề nghiệp Việt Nam”. Sổ tay hướng dẫn chi tiết các khái niệm về nghề nghiệp, quy trình xác định mã nghề nghiệp, các lưu ý khi xác định mã nghề để tránh nhầm lẫn, chồng chéo, các bảng chuyển đổi từ VSCO 2020 sang VSCO 2008 và ngược lại…
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện TCTK giới thiệu một số vấn đề liên quan đến danh mục nghề nghiệp Việt Nam (VSCO 2020) về: Mục đích, ý nghĩa; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc xây dựng; cấu trúc và cách xây dựng mã nghề. So với VSCO 2008, VSCO 2020 có một số điểm mới như: Mở thêm mã cấp 5; nội dung giải thích nghề theo hướng cầu và bổ sung phần ví dụ và loại trừ; phân biệt rõ hơn lao động có kỹ năng và lao động không có kỹ năng trong nông, lâm nghiệp và thủy sản (mã 6 với mã 9)…Tiếp đó các đại biểu tham dự cũng được nghe đại diện TCTK trình bày về sổ tay hướng dẫn áp dụng danh mục nghề nghiệp Việt Nam với 3 nội dung chính: Một số vấn đề chung; áp dụng danh mục nghề nghiệp Việt Nam; các bảng chuyển đổi…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích và thiết thực về các nội dung liên quan đến dự thảo Sổ tay hướng dẫn áp dụng danh mục nghề nghiệp Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cho dự thảo Sổ tay hướng dẫn áp dụng danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục trưởng cũng đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm cụ thể hóa vào thực tiễn; tiếp tục bổ sung và hoàn thiện sổ tay hướng dẫn áp dụng danh mục nghề nghiệp Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Khương Duy