Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV – (2024 – 2029)
HỘI THỐNG KÊ VIỆT NAM
Hội viên hội thống kê Việt Nam – Thực trạng và hướng hoàn thiện
TS. Vũ Thanh Liêm
Uỷ viên Hội đồng trung ương – Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam
Phó Chủ tịch-Hội Thống kê Việt Nam
Hội Thống kê Việt Nam thành lập ngày 04 tháng 5 năm 2006. Hội Thống kê Việt Nam (viết tắt là HTK) ra đời và phát triển trên cơ sở ý chí tự nguyện của những người làm nghề thống kê và luôn mong muốn sự nghiệp thống kê Việt Nam ngày càng phát triển. Nhìn lại hơn 15 năm qua, HTK thường xuyên bám sát vào tôn chỉ, mục đích của mình đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh được giao. Bước vào một nhiệm kỳ mới, với một bối cảnh mới đòi hỏi HTK phải tiếp tục đổi mới và tự hoàn thiện mình một cách toàn diện, trong đó là việc nâng cao số lượng và chất lượng hội viên HTK.
Thực trạng hội viên Hội Thống kê Việt Nam hiện nay
Ở nước ta hiện nay, hội hoạt động trong lĩnh vực thống kê bao gồm: Hội Thống kê Việt Nam và các Hội Thống kê tỉnh, thành phố (Phú Thọ, Bắc Ninh, An Giang,…). Hội Thống kê Việt Nam được hình thành và phát triển trên cơ sở tập hợp những người đã và đang làm nghề thống kê trong các cơ quan thống kê nhà nước tập trung tại khu vực Hà Nội.
Tính đến ngày 16 tháng 10 năm 2023, HTK có 363 hội viên. So lúc thành lập số lượng hội viên tăng 32,9%, tốc độ tăng bình quân mỗi năm từ khi thành lập đến nay là 1,7%. Còn so với năm 2018 (370 hội viên) giảm gần 2,0%. Như vậy, số lượng hội viên tham gia HTK tăng khá trong 02 thập kỷ đầu của thế kỷ 21, bắt đầu vào thập kỷ thứ ba có dấu hiệu giảm xuống. Lý do chủ yếu là trong thời kỳ này Tổng cục Thống kê thực hiện tinh giảm biên chế, hơn thế nữa công chức, viên chức làm việc tại Tổng cục Thống kê là một nguồn hội viên chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hội viên của HTK (năm 2023 chiếm 61,9%). Đáng chú ý, sau hơn 15 năm thành lập HTK chưa có thêm một chi hội nào tình nguyện xin tham gia từ các Cục Thống kê (ngoài Cục Thống kê Hà Nội). Nguồn hội viên chưa được mở rộng tới cơ quan thống kê khác. Trong tổng số hội viên HTK, năm 2023 hội viên là hưu trí có 112 người và chiếm 30,9%, tương ứng năm 2018 có 148 người và chiếm 44,1%. Như vậy, sau một nhiệm kỳ hội viên là hưu trí tham gia hội giảm đi cả về số tuyệt đối và tương đối. Hiện tượng này tương tự như một số hội nghề nghiệp khác, đáng chú ý là các hội thống kê các tỉnh, thành phố. Lý do bao trùm là xu hướng những người hưu trí muốn nghỉ ngơi và muốn thuận lợi hơn chăm sóc sức khỏe.
Về giới tính, cơ cấu nam, nữ của HTK tương tự như Tổng cục Thống kê, những năm đầu thành lập tỷ trọng nam lớn hơn nữ, theo thời gian tỷ trọng nam giảm dần. Và đến năm 2023, tỷ trọng hội viên là nữ chiếm 54%, còn 46% là nam giới. Nguyên nhân có hiện tượng này vẫn là do tỷ trọng công chức, viên chức của Tổng cục Thống kê chiếm tỷ trọng cao, luôn trong khoảng 55 – 70%.
Về tuổi đời bình quân, nếu như năm 2018 là 53,9 tuổi thì 2023 đã được trẻ hóa được 2 tuổi, tương đương 51,8 tuổi. Cơ cấu độ tuổi cũng biến đổi sau mỗi nhiệm kỳ. Nếu như năm 2018, trong cơ cấu tỷ trọng người trên 60 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất (40%), sau đó là độ tuổi 41 – 50 (23,5%) và thấp nhất là độ tuổi 20 – 30 (2,2%). Năm 2023 lại khác, với tỷ trọng tương ứng là: 30,9%, 40,5% và 3,9%. Lý do chủ yếu là những người được nghỉ hưu, cũng thôi luôn tham gia hội có xu hướng tăng. Hơn nữa, số hội viên cao tuổi cũng thôi sinh hoạt hội tăng hơn so nhiệm kỳ trước.
Về cơ cấu trình độ chuyên môn và ngạch của hội viên HTK, theo thời gian đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Chất lượng và số lượng đều tăng, thành thạo và chuyên nghiệp thống kê hơn. Năm 2023, tất cả hội viên HTK đều có trình độ chuyên môn cử nhân hoặc tương đương trở lên (99,0%), trong đó có 38,3% là thạc sỹ và tiến sỹ. Năm 2018, tỷ trọng này tương ứng là 98,0% và 18,9%. Đặc biệt năm 2023 có 139 người có trình độ thạc sỹ trở lên, tăng 99,0% so với năm 2018. Lý do chủ yếu trình độ chuyên môn của người tham gia hội cao, trong thời gian tham gia hội, hội viên đã chủ động học tập và đạt trình độ chuyên môn thạc sỹ, tiến sỹ. Ngạch của hội viên (được Nhà nước công nhận qua kỳ thi nâng ngạch lúc chưa nghỉ hưu) thể hiện trình độ về thống kê và kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước. Cơ cấu ngạch có xu hướng cũng chuyển dịch theo hướng tích cực như trình độ chuyên môn. Năm 2023, trong tổng số hội viên chiếm 32,0% là thống kê viên hoặc tương đương, thống kê viên chính và thống kê viên cao cấp hoặc tương đương chiếm 67,9%. Tỷ lệ hội viên có ngạch thống kê viên và tương đương trở lên cao và tăng nhanh là do số lượng hội viên công tác Tổng cục Thống kê cao. Mặt khác trong 10 năm trở lại đây Tổng cục Thống kê được phép tự tổ chức thi nâng ngạch và đã liên tục tổ chức các kỳ thi này. Các cơ quan trực thuộc HTK cũng như các chi hội, đều có người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đều là Phó Vụ trưởng và tương đương trở lên đảm nhiệm. Lãnh đạo Hội Thống kê Việt Nam qua các thời kỳ đều có 100% là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng cục Thống kê, trong đó tỷ lệ là tiến sĩ và chuyên viên hoặc thống kê viên cao cấp rất cao. Đặc biệt, trong cơ quan chuyên môn của HTK có hai Phó giáo sư, Tiến sĩ Thống kê.
Một đặc điểm rất rõ nét là trong tổng thể hội viên HTK có 2 bộ phận: Hội viên đã nghỉ hưu và hội viên là công chức hoặc viên chức. Tỷ trọng của hai bộ phận cũng có biến động sau mỗi nhiệm kỳ. Năm 2023, tỷ trọng này tương ứng là 69,1% và 30,9%. Năm 2018, tương ứng là 55,9% và 44,1%. Dù có biến động về tỷ trọng nhưng hai bộ phận lại có những đặc điểm riêng có. Nếu như bộ phận hội viên là công chức hoặc viên chức trẻ, khỏe và đồng chịu sự quản lý chủ yếu của các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê. Chất lượng mọi mặt của bộ phận này được hình thành nên do sự nỗ lực của cá nhân, còn là do cơ quan họ bồi dưỡng. Còn bộ phận hội viên hưu trí, họ có kinh nghiệm hàng chục năm làm công chức, viên chức trong lĩnh vực thống kê. Họ là những “tinh hoa” trong quản lý và hoạt động chuyên môn thống kê trong các cơ quan thống kê nhà nước. Họ từng tham gia vào công tác quản lý ở các cấp hành chính của Tổng cục Thống kê, là giảng viên chuyên nghiệp về thống kê, tổ chức thành thạo các bước của quy trình sản xuất thông tin thống kê, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thống kê; hoạt động có hiệu quả, trách nhiệm và uy tín trong nghiên cứu khoa học, các hội đồng khoa học, hội đồng chấm luận án, luận văn,…
Nhìn lại hơn 15 năm từ khi thành lập đến nay, đội ngũ – hội viên HTK có biến động cả về số lượng và chất lượng, nhưng tất cả những nhiệm vụ chính của HTK được giao, tôn chỉ mục đích và quy định trong Điều lệ HTK luôn được hoàn thành như:
(1) Tư vấn, phản biện và giám định xã hội;
(2) Hoạt động tuyên truyền, phổ biến về thống kê;
(3) Hoạt động khoa học thống kê;
(4) Tham gia vào đào tạo về thống kê cho nguồn nhân lực.
Những việc làm này đã góp phần tôn vinh nghề thống kê, sự phát triển của sự nghiệp thống kê Việt Nam.
Hội viên Hội Thống kê Việt Nam đổi mới – tự hoàn thiện và vươn lên
Thế, lực và tiền đồ đất nước ta đã và đang biến động và phát triển hơn bao giờ hết. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu và rộng làm cho đời sống kinh tế thay đổi. Thực tiễn này đòi hỏi “công cụ” thống kê phải thay đổi thích ứng để phản ánh đầy đủ, kịp thời và chính xác sự biến đổi kinh tế – xã hội.
Từ thực trạng hội viên HTK, trong tình hình mới đòi hỏi hội viên, HTK phải chủ động đổi mới, tự hoàn thiện mình để vươn lên đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, có công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng hội viên HTK. Phương châm của công tác này xuyên suốt cả nhiệm kỳ mới nên chăng là: “Hội viên Hội Thống kê tốt hơn – Kết quả hoạt động Hội Thống kê tốt hơn”?
Phương châm được cụ thể bằng ba giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ IV (2024 – 2029) như sau:
Thứ nhất là, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HTK, đáp ứng ngày càng cao về tư vấn, phản biện và giám định xã hội; khoa học thống kê cho các tổ chức, cơ quan thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả, thích ứng với thị trường thông tin, đáp ứng mọi yêu cầu của tổ chức và cá nhân về điều tra thống kê, cung cấp số liệu thống kê, tư vấn và đào tạo nghiệp vụ thống kê. Thông qua các hoạt động này không chỉ giúp cho hội viên thành thạo nghiệp vụ thống kê hơn, hoạt động nghiên cứu khoa học thống kê hiệu quả hơn, cách thức tổ chức dịch vụ công về lĩnh vực thống kê hợp pháp hơn và đúng quy luật của thị trường thông tin hơn.
Thứ hai là, Hội Thống kê Việt Nam chủ động, sáng tạo không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, mà còn mở rộng quan hệ thống kê quốc tế, các cơ quan thống kê trong Hệ thống Thống kê tập trung, các Hội ngành nghề, các đơn vị tổ chức thuộc liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam, các đối tác truyền thống, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin và dịch vụ thống kê. Thông qua đây, thu hút các chuyên gia thống kê có kinh nghiệm, yêu nghề và nhiệt huyết tham gia HTK. HTK phải là điểm đến, nơi thỏa mãn nhu cầu về thống kê cho mọi đối tượng, mọi tổ chức và cơ quan thống kê, nhất là nguồn nhân lực trẻ. Từ đó, họ biểt về HTK và tự nguyện tham gia HTK.
Thứ ba là, trong Điều lệ của HTK đã xác định HTK có quyền hạn “Bảo vệ quyền, lợi ích của hội viên” và nhiệm vụ “phổ biến, huấn luyện kiến thức cho hội viên”, hơn thế nữa hội viên “được Hội bảo trợ tạo điều kiện để thực hiện sáng kiến, cải tiến nghiệp vụ thống kê, nghiên cứu các đề tài khoa học và tham gia các chương tình, dự án liên quan đến nghiệp vụ thống kê”. Vì vậy, HTK trong nhiệm kỳ mới thông qua hoạt động của mình phải ưu tiên trước hết cho các hội viên của HTK như Điều lệ của HTK đã xác định. Hội viên không chỉ tham gia có hiệu quả các hoạt động của Hội, mà còn được các chuyên gia thống kê, chuyên gia quản lý nhà nước về thống kê,… trực tiếp hỗ trợ, phổ biến và huấn luyện về nghiệp vụ thống kê, trong đó có kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức trong các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn (Thạc sỹ, Tiến sỹ), các kỳ thi nâng ngạch công chức, viên chức (Thống kê viên chính và cao cấp) và kỳ thi tuyển công chức, viên chức vào ngành thống kê.
Thực hiện được như vậy, HTK Việt Nam sẽ góp phần làm cho “Hội viên Hội Thống kê tốt hơn – Kết quả hoạt động Hội Thống kê tốt hơn”./.