Sáng ngày 06/01/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020. Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh chủ trì cuộc Họp báo. Tham dự cuộc Họp báo có bà Valentina Baccuci, Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), đại diện một số Bộ, ngành, lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK, các cơ quan thông tấn báo chí và các Cục Thống kê địa phương tại các điểm cầu.
Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh chủ trì cuộc Họp báo
Theo báo cáo lao động việc làm quý IV và năm 2020 của TCTK cho thấy, lực lượng lao động tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III năm 2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái của cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,6%. Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 860,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2020 ước tính là 74,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2020 ước tính khoảng 74%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với năm 2019.
Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Số lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 20,9 triệu người, tăng 233 nghìn người so với quý trước và tăng 338,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 56,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV năm 2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng so với quý trước và giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, thu nhập bình quân tháng đạt 5,5 triệu đồng, giảm 128 nghìn đồng so với năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý IV năm 2020 mặc dù giảm so với quý III nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là gần 1,2 triệu người, giảm 60,1 nghìn người so với quý trước và tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019.
Tại Họp báo bà Valentina Baccuci, Phó giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) ghi nhận rằng, các chỉ tiêu liên quan thị trường lao động đang theo xu hướng tích cực so với những tháng khó khăn trước đó tuy vậy vẫn đang cách xa rất nhiều so với thời gian chưa xảy ra dịch Covid-19. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc điều tra lao động việc làm là căn cứ để chính phủ đưa ra những quyết sách nhất là trong tình hình dịch bệnh trong năm 2020.
Tại buổi Họp báo, TCTK cũng dành nhiều thời gian giải đáp các câu hỏi của các phóng viên, nhà báo, cơ quan truyền thông về các nội dung liên quan đến tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020.
Phát biểu kết thúc Họp báo, Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội cũng như lao động việc làm cho thấy Việt Nam đã có thành tích nổi bật. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải tiếp tục có những chính sách, giải pháp để có những hỗ trợ. Cụ thể theo Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh cho biết ngày 1/1/2021, Chính phủ cũng đã ra nghị quyết 01 về thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 trong đó nêu rất rõ trong việc chủ động và sử dụng nguồn lực liên quan đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là có những giải pháp, chính sách liên quan đến tài chính, tín dụng, ngân sách và giảm thuế, giãn thuế…. để hỗ trợ doanh nghiệp trong đối phó với dịch Covid – 19. Bên cạnh đó có những ưu tiên chung để thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong năm 2021.
Toàn cảnh Họp báo
Khương Duy