Lạm phát, mối đe dọa ngày càng tăng đối với người nghèo dễ bị tổn thương ở Mỹ La-tinh và Caribe

Cũng như Mỹ Latinh, Caribe (LAC) đang phục hồi hoạt động kinh tế ở mức trước đại dịch, nhưng một mối đe dọa mới và đáng lo ngại đã xuất hiện: lạm phát gia tăng.

Khu vực này đã trải qua một thời kỳ tổn thất đáng kể từ tháng 3 năm 2020, khi bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng của đại dịch. Covid 19 ảnh hưởng đến LAC nặng nề hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, cả về số người chết bình quân và sự suy giảm kinh tế. Nghèo đói cũng tăng lên vì cuộc khủng hoảng sức khỏe.

Khu vực này đã phục hồi đáng kể năm 2021 nhờ vào việc triển khai tiêm chủng vắc xin và việc mở rộng các chương trình nhằm giảm thiểu tác động đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, giá lương thực và nhiên liệu tăng nhanh có thể gây ra một trở ngại đáng kể khác cho người dân trong khu vực.

Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã châm ngòi cho ngọn lửa lạm phát, hầu hết các quốc gia đã trải qua việc tăng giá kể từ năm ngoái. Giá nhiên liệu, (được đo bằng giá dầu thế giới) và giá lương thực quốc tế đều tăng trong suốt năm 2021, như Hình 1 cho thấy.

 Hình 1. Chỉ số giá lương thực và thực phẩm thô WTI

Trên thực tế, vào cuối năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng trung bình trong khu vực đã tăng gần gấp đôi, tăng lên 7%, từ mức trung bình là 4% trong giai đoạn 2015 và 2019. Tất nhiên, lạm phát đã ảnh hưởng đến các quốc gia khác nhau, nhưng tỷ lệ cao nhất ở Argentina, Brazil, Chile, Uruguay và Venezuela.

Ở LAC, lương thực và năng lượng là những yếu tố chính đóng góp vào lạm phát vào năm 2021. Chúng chiếm hơn 90% lạm phát ở Costa Rica, 75% ở Paraguay, 66% ở Brazil và gần 60% ở Colombia. Phân tích thực nghiệm xác nhận rằng lạm phát trong khu vực có mối tương quan cao với áp lực từ phía cầu, cũng như áp lực chuỗi cung ứng, giá năng lượng và đồng tiền mất giá.

Lạm phát hiện được dự báo sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022, chủ yếu do giá hàng hóa tăng và nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn. Chẳng hạn như Suriname và Haiti, dự kiến sẽ có lạm phát ở mức hai con số. Các nước nhập khẩu lương thực sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng hơn do giá lương thực quốc tế tiếp tục tăng.

Tại sao phải lo lắng về tác động của lạm phát trong khu vực?

 Một lý do chính là lạm phát gây áp lực đáng kể lên thu nhập khả dụng của các hộ gia đình. Ở LAC, tỷ trọng chi tiêu cho thực phẩm và năng lượng trong quỹ tiêu dùng là khoảng 40%, với mức cao nhất ở Peru, Mexico, Brazil và Paraguay, như trong Hình 2.

Hình 2. Chi tiêu cho thực phẩm và năng lượng ở các nước LAC được chọn, tính theo CPI

Đặc biệt đáng quan tâm là những tác động tiêu cực lên các hộ nghèo nhất dễ bị tổn thương nhất ở khu vực thành thị, những đối tượng đang phải dành một phần lớn trong tổng thu nhập của họ cho lương thực và các hàng hóa cơ bản khác. Họ đang phải chịu những tác động khắc nghiệt nhất của việc giá cả tăng cao. (Để có cái nhìn toàn cầu về tác động của lạm phát và tăng giá hàng hóa đối với đói nghèo, cũng như tính đến khía cạnh kinh tế rộng hơn, hãy xem bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass tại Trường Kinh tế Warsaw).

 Lạm phát đối với các hàng hóa và dịch vụ khác, chẳng hạn như những hàng hóa liên quan đến giá xăng, cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới. Việc tăng giá cũng gây ra những tổn thất phúc lợi lớn do chi phí vận tải cao hơn. Tệ hơn nữa, người dân ở Mỹ Latinh và Caribe đang chứng kiến giá thực phẩm, nhiên liệu tăng chóng mặt trong khi mức lương trung bình vẫn dưới mức trước đại dịch.   

Nghèo đói gia tăng, mất an ninh lương thực

Tại một khu vực mà công cuộc xóa đói giảm nghèo bị đảo ngược đột ngột do đại dịch, một mối lo ngại lớn chính là sự phục hồi kinh tế bắt đầu từ năm 2021 không giúp các gia đình vượt lên trên mức nghèo.

Nghèo đói (được định nghĩa là sống với mức dưới 5,5 đô la một ngày) đã tăng từ 24% lên 26,5% từ năm 2019 đến năm 2021 nhưng đã bắt đầu giảm chậm vào năm 2022. Hiện tại, phân tích sơ bộ chỉ ra rằng số hộ nghèo dự kiến sẽ vẫn ở mức 26% vào năm 2022 và chưa thể trở lại mức trước đại dịch. Theo tính toán này, gần 13 triệu công dân LAC sẽ mất cơ hội nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong phúc lợi của họ.

Tình trạng mất an ninh lương thực trong thời kỳ đại dịch diễn ra nổi bật nhất ở các quốc đảo Caribe như St. Lucia, Jamaica, Haiti và Dominica. Thật không may, điều này có thể sẽ xảy ra một lần nữa vào thời điểm hiện tại vì các nước Caribe phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm và phi thực phẩm. Nó cũng có thể ảnh hưởng không đồng đều đến người nghèo thành thị trên toàn khu vực, cũng như nhiều nhóm dân nhập cư gần đây – bao gồm cả những người đến từ Venezuela – những người vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống trong ngôi nhà mới của họ. Tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và dễ bị tổn thương về kinh tế của nhiều người ở LAC.

Một mối quan tâm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là bất bình đẳng. Lạm phát có xu hướng ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo, trong khi các gia đình khá giả lại có nhiều cách hơn để tránh những tác động xấu nhất. Đó là lý do tại sao lạm phát có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Theo một số thống kê, LAC vốn dĩ đã là khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới, trong tình hình giá cả tăng cao mà chúng ta quan sát được ở thời điểm hiện tại thì tình trạng này lại càng trầm trọng, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng xã hội đang diễn ra.

Nhiều quốc gia đang đối phó với sự gia tăng lạm phát bằng cách cố gắng tác động trực tiếp đến giá cả – hạn chế xuất khẩu lương thực hoặc giữ giá nhiên liệu ở mức thấp hơn so với thị trường toàn cầu. Cách tiếp cận này có thể giúp dập tắt căng thẳng trong nước, nhưng nó có tác động tiêu cực đến phúc lợi toàn cầu.

Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng các hạn chế thương mại có xu hướng làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Họ có thể giữ giá thấp hơn ở một quốc gia trong thời gian ngắn hạn, đồng thời đẩy giá cao hơn trên thị trường toàn cầu, làm tồi tệ thêm tình hình cho những quốc gia khác. Giữ giá xăng hoặc dầu diesel ở mức thấp có thể giúp hạn chế nhu cầu của xã hội nhưng đó là một cách tiếp cận tốn kém, chủ yếu mang lại lợi ích cho các nhóm ít cần thiết hơn. Ngoài ra, việc giữ cho nhiên liệu hóa thạch rẻ hơn sẽ tác động tiêu cực đến khí hậu và làm giảm mục tiêu dài hạn của LAC về chuyển đổi tăng trưởng xanh.        

Giải pháp là gì?

Để giảm bớt tác động của lạm phát đối với người nghèo, các chính phủ nên tăng cường hỗ trợ thông qua các chương trình bảo trợ xã hội có mục tiêu tốt. Các chương trình này vô cùng quan trọng trong việc đối phó với COVID-19 và bảo vệ hàng triệu người Mỹ Latinh khỏi những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng.

Sử dụng các loại chương trình này để giảm bớt gánh nặng do giá thực phẩm và nhiên liệu cao sẽ hiệu quả hơn các giải pháp thay thế. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm ưu tiên bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất phải phù hợp với quản lý tài chính, do mức nợ công cao hơn trong khu vực sau đại dịch.

Thành thật mà nói, chúng tôi không biết khi nào thì sự gia tăng lạm phát hiện tại sẽ kết thúc. Chúng tôi không biết cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu hoặc chúng tôi có thể mong đợi các nguồn cung cấp lương thực, nhiên liệu và phân bón thay thế ở đâu.

Những gì chúng tôi biết là các ngân hàng trung ương trên toàn khu vực đã tăng lãi suất để làm giảm nhu cầu, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng vốn đã thấp của khu vực. (LAC hiện được dự đoán chỉ tăng 2,2% trong năm nay, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới ).

Trước những bất ổn như thế này, điều quan trọng là phải bảo vệ người nghèo đồng thời giảm căng thẳng tổng thể đối với các nguồn tài khóa. Và đây cũng có thể là thời điểm tốt để thực hiện các cải cách thân thiện với tăng trưởng nhằm thúc đẩy đầu tư và thực hiện các công việc cần thiết để biến khu vực của chúng ta đang sống trở thành một nơi bình đẳng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

Nguyễn Mai (dịch)

https://blogs.worldbank.org/latinamerica/inflation-rising-threat-poor-and-vulnerable-latin-america-and-caribbean

CPICOVID-19tiêu điểm
Comments (0)
Add Comment