Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Nhưng một số chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi về không ít số liệu do ngành thống kê công bố? (Nguồn: https://baodautu.vn/ap-luc-lon-nhat-la-cung-cap-so-lieu-thong-ke-cho-xa-hoi-d124384.html)
Trả lời:
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê, TCTK
Phải thừa nhận rằng, số liệu của một số chỉ tiêu về tiền tệ, tài khóa vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của Hệ thống phổ biến dữ liệu chung, nhất là Hệ thống phổ biến dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về phạm vi, phân tổ, tính kịp thời hay tần suất biên soạn, phổ biến số liệu. Việc cung cấp số liệu cho thống kê ASEAN ở một số lĩnh vực cũng chưa đầy đủ, như thống kê thương mại quốc tế về hàng hóa thiếu số lượng theo mã HS 8 chữ số, phân tổ theo phương thức vận tải và hàng tái xuất.
Việc tính toán một số chỉ tiêu liên quan đến phân tổ số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang tính so sánh quốc tế còn hạn chế do số liệu về giá trị vốn thực hiện chưa phân chia được theo các nguồn vốn, cũng không chia thành vốn bằng tiền và vốn bằng hiện vật và các khoản tương đương tiền như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, thương hiệu.
Ngoài ra, các báo cáo phân tích thống kê còn mang tính chất mô tả số liệu nhiều hơn là phân tích, giải thích về dữ liệu. Các dự báo thống kê chủ yếu là ước tính số liệu cho dự báo ngắn hạn, mà chưa có nhiều dự báo trung và dài hạn. Đây cũng là nguyên nhân khiến đôi khi người sử dụng tin tỏ thái độ nghi ngờ số liệu vì không phải ai sử dụng số liệu cũng hiểu hết về số liệu.