Với cải cách tiền lương như hiện nay, giá nhân công ở Việt Nam đã thuộc nhóm các nước cao trong khu vực.
Một trong những thế mạnh của lao động Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, đó là sự chăm chỉ làm việc và tay nghề khéo léo. Các đánh giá này đều chỉ ra điều có vẻ như mâu thuẫn nhau, đó là tay nghề của lao động Việt Nam ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn cả lao động Trung Quốc, nhưng năng suất lao động của Việt Nam so với Trung Quốc lại thấp hơn.
Các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực.
Những năm trước đây, người ta ít chú ý tới điều này vì việc thuê nhân công giá rẻ vẫn còn mang lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nay, việc thuê nhân công Việt Nam so với các nước trong khu vực đã tăng lên, nên yếu tố năng suất lao động đã ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận của nhà đầu tư, nhất là trong một số ngành nghề như dệt may, da, giày.
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), mức lương bình quân của lao động ở Việt Nam khoảng 100 – 150 USD/tháng, đứng sau lương lao động tại Trung Quốc từ 120 – 180 USD/tháng. Trong khi đó, mức lương của Ấn Độ 100 – 120 USD/tháng, Indonesia 70 – 100 USD/tháng, Bangladesh 50 – 70 USD/tháng.
So sánh mức chênh lệch trên, giá sản xuất tại Việt Nam kém cạnh tranh so với nhiều nước khác, chưa kể sức ép tăng lương với doanh nghiệp vẫn còn. Theo tính toán, lao động tại các thành phố cần từ 4 – 5 triệu đồng/tháng mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát “Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực.
Có 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; 1/5 nhận xét lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới; 1/3 doanh nghiệp không tìm được lao động có kỹ năng mà họ cần; 2/5 giám đốc điều hành gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Tại một số ngành như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng, vận tải, hóa chất, dệt có tình trạng lao động thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng. Lợi thế về chi phí nhân công thấp khi hoạt động tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế Tp.HCM, năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần. “Nếu coi lao động giá rẻ như một lợi thế thì sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động”, ông Hùng nói.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của chúng ta không thể kéo dài mãi. Do đó không chỉ riêng ngành da giày mà các ngành hàng khác cũng cần có bước chuẩn bị cụ thể để chuyển từ số lượng sang chất lượng.
(Theo Vn Economy)
PĐQ sưu tầm
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/86091/nang-suat-lao-dong-viet-nam-thuoc-day-khu-vuc.html