Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Nếu đặt ngưỡng lạm phát, theo ông, Việt Nam nên sử dụng ngưỡng bao nhiêu là phù hợp? (Nguồn: https://baodautu.vn/da-den-luc-xay-dung-nguong-lam-phat-thay-chi-tieu-lam-phat-d150579.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Như tôi đã nói, trong giai đoạn 2016-2020, hàng năm Việt Nam đặt chỉ tiêu lạm phát dưới 4% là phù hợp, vì vừa kiểm soát được lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định. Hiện tại, Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về ngưỡng lạm phát, vì vậy, theo tôi, căn cứ vào tình hình thực tế và bài học kiểm soát lạm phát giai đoạn 2016-2020, trong khi chưa có nghiên cứu về ngưỡng lạm phát thì đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% cho giai đoạn 2021-2025, thay vì hàng năm ấn định dưới 4% như hiện nay.
Giả sử đặt ra ngưỡng lạm phát 4% thì tùy theo tình hình thực tế của từng năm, Chính phủ điều hành có thể cao hơn hoặc thấp hơn 4%, nhưng cả giai đoạn phải bảo đảm tiệm cận 4%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ có dư địa phục hồi kinh tế.
Cụ thể, lạm phát năm nay chắc chỉ loanh quanh 2,5-3%, nên năm 2022, Chính phủ có dư địa để tăng cường đầu tư, mở rộng chính sách tài khoá, tiền tệ, sớm đưa nền kinh tế tăng trưởng như thời kỳ trước dịch bệnh và chấp nhận lạm phát trên 4% và các năm sau cũng điều hành tương tự, phụ thuộc vào tình hình thực tế trong nước và thế giới. Điều hành thế nào là quyền của Chính phủ, nhưng trong giai đoạn 2021-2025, CPI bình quân không được vượt quá 4%.