C.R.Rao sinh ngày 10 tháng 9 năm 1920 tại Hoovina Hadagali, Madras, Ấn Độ thuộc Anh (nay là Vijayanagara, Karnataka, Ấn Độ). Ông đã làm việc tại Viện Thống kê Ấn Độ (Indian Statistical Institute), Bảo tàng Nhân loại học tại Cambridge, Đại học Cambridge, Đại học Pittsburgh, Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Buffalo. Ông qua đời vào ngày 22 tháng 8 năm 2023 tại Buffalo, New York, Hoa Kỳ.
C.R.Rao được coi là một trong những nhà thống kê vĩ đại nhất của Thế kỷ 20. Ông đã để lại dấu ấn không thể phai mờ với một khối lượng công việc ấn tượng, bao gồm, 477 bài báo nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín và 15 cuốn sách có ảnh hưởng. Những đóng góp đặc biệt của Ông đã vươn xa, vượt qua ranh giới ngôn ngữ với các bản dịch sách của Ông sang tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc đại lục và Đài Loan, tiếng Ba Lan, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Séc, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Hàn. Nhiều cuốn sách của ông vẫn là sách giáo khoa nổi bật trong hơn 50 năm qua. Ông là người biên tập 39 tập của cuốn “Sổ tay Thống kê” nổi tiếng, đã cung cấp một nguồn tài nguyên toàn diện cho các học viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu. Ông đã nhận được 38 bằng tiến sĩ danh dự từ các trường đại học ở 19 quốc gia trên toàn cầu và là thành viên của một số học viện quốc gia ở Ấn Độ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ý. Giải thích bản chất cơ bản của công việc của mình, Ông đã từng tuyên bố “Thống kê không phải là một môn học như vật lý, hóa học hay sinh học mà chúng ta nghiên cứu để giải quyết các vấn đề trong cùng một môn học. Chúng tôi nghiên cứu thống kê với mục đích chính là giải quyết các vấn đề trong các ngành khác”
C.R.Rao đã đóng góp nhiều công trình quan trọng trong các lĩnh vực, như lý thuyết ước lượng, hình học vi phân và phân tích đa biến… Ông cũng đã phát triển nhiều công cụ thống kê, như giới hạn Cramer-Rao, định lý Rao-Blackwell, mảng trực giao (orthogonal arrays) và kiểm tra điểm số. Ông đã đạt được nhiều giải thưởng và danh hiệu uy tín quốc tế, như Padma Vibhushan, Huân chương Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, Giải thưởng SS Bhatnagar và Huy chương Guy. Năm 2023, Ông nhận Giải thưởng quốc tế về Thống kê với 80000 đô la tiền thưởng (Tương đương với giải thưởng Nobel).
C.R.Rao đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của giáo dục và nghiên cứu thống kê ở Ấn Độ và trên thế giới, tiêu biểu là bốn nhà thống kê và xác suất nổi tiếng “Famous Four” trong giai đoạn 1956-1963, gồm:
– K. R. Parthasarathy (1936-2023), với nhiều công trình nổi tiếng về Xác suất trong không gian mêtric và Giải tích ngẫu nhiên lượng tử;
– R. Ranga Rao (mất 27 /8/ 2021), chuyên về Xấp sỉ chuẩn trong Thông kê, nhóm Lie và đại số Lie;
– V.S. Varadarajan (1937-2019) chuyên về lý thuyết biểu diễn, vật lý toán và đặc biệt về lý thuyết siêu đốí xứng (supersymmetry)
– Srinivasa Varadhan (sinh năm 1940, còn sống) tác giả nổi tiếng của những công trình về lý thuyết phi-quy ước (nonconventional) trong Xác suất như lý thuyết độ lệch lớn phi quy ước, các Định lý giới hạn phi quy ước.
Để vinh danh Ông, Bộ Thống kê và Thực hiện Chương trình (MoSPI), Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Giải thưởng Quốc gia C.R.Rao. Đại học Hyderabad thành lập Viện toán học, thống kê và khoa học máy tính cao cấp CR Rao (AIMSCS) để thúc đẩy nghiên cứu về toán học, thống kê và các ứng dụng của chúng trong các lĩnh vực khác nhau. Con đường từ IIIT Hyderabad vượt qua Đại học Hyderabad đã được phong GS CR Rao Đường. Đại học Bang Pennsylvania thành lập Giải thưởng CR và Bhargavi Rao trong thống kê.
Hiệp hội Thống kê Mỹ (ASA) đã mô tả ông là một huyền thoại sống có công việc không chỉ ảnh hưởng đến thống kê mà còn có ý nghĩa sâu rộng với các lĩnh vực đa dạng, như kinh tế, di truyền học, nhân chủng học, địa chất, quy hoạch quốc gia, nhân khẩu học, sinh trắc học và ý học. Báo Time India đã vinh danh C.R.Rao là một trong 10 nhà khoa học Ấn Độ hàng đầu mọi thời đại
Ngày 22 tháng 8 năm 2023, Giáo sư C.R.Rao đã hoàn tất sứ mạng cuộc đời mình ở thế giới trần gian. Chúc linh hồn Ông sớm siêu thoát./.
Đoàn Dũng
Tài liệu tham khảo
– https://www.globalindian.com/vi/story/global-indian;
– https://www.en.m.wikipedia-org;
– https://www.isi2023.org/news/2023internationalprizestatistics/