Nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn.
Ngày 11.10, nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn đã “qua mặt” nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami để giành giải Nobel văn học 2012.
Tại lễ trao giải, Uỷ ban trao giải Nobel (Thụy Điển) nhận định nhà văn Mạc Ngôn là người chiến thắng xứng đáng bởi “lối văn phong kết hợp chủ nghĩa hiện thực ảo với những câu chuyện ngụ ngôn, lịch sử và những chuyện kể đương đại”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đoạt được giải Nobel văn học.
Nhà văn Mạc Ngôn (nghĩa là “Không nói”) tên thật Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955, là người gốc Sơn Đông, Trung Quốc. Ông phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng Văn hoá và từng tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng… trong cảnh luôn đói khát và cô đơn.
Ông nhập ngũ năm 1976. Năm 1981, ông bắt đầu công bố tác phẩm của mình và nổi tiếng vào những năm 1980 với hàng loạt tác phẩm nói về nguồn cội. Năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10.1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Hiện ông là sáng tác viên bậc 1 của Cục Chính trị – Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Cái tên Mạc Ngôn được nhắc đến nhiều nhất sau khi bộ phim Cao lương đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu (chuyển thể từ tiểu thuyết Gia tộc cao lương đỏ của ông) đoạt giải Gấu vàng ở Liên hoan phim Berlin lần thứ 38 năm 1988.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Gia tộc cao lương đỏ, Châu chấu đỏ, Tửu quốc… được dịch sang nhiều thứ tiếng. Bạn đọc tại Việt Nam cũng có dịp tiếp xúc với văn phong của nhà văn này qua hàng loạt tác phẩm tiêu biểu: Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Cao lương đỏ, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Tứ thập nhất pháo, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Châu chấu đỏ, Hoan lạc, Người tỉnh nói chuyện mộng du, Con đường nước mắt, Bạch miên hoa, Trâu thiến, Ếch…
Chiến thắng bất ngờ của Mạc Ngôn gây hứng khởi mạnh mẽ trong cộng đồng người Trung Quốc, đồng thời thu hút mạnh dư luận bên ngoài trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng về vấn đề chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
MT sưu tầm theo laodong.com.vn