Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Trước những khó khăn hiện nay của kinh tế Việt Nam cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông có thể chỉ ra đâu là những động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? (Nguồn: https://bnews.vn/nang-cao-hieu-qua-su-dung-noi-va-ngoai-luc-cua-dat-nuoc-de-tang-truong-kinh-te/210525.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Theo tôi, trước hết, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch cho khu vực doanh nghiệp; tháo gỡ các nút thắt, xoá bỏ nhũng nhiễu và chi phí ngầm của doanh nghiệp. Cùng đó là tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất, hướng tới cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP, chuyển dần lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; đồng thời, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp.
Cùng với đó, là đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng.
Theo tôi, đầu tư công cũng là động lực và giải pháp quan trọng, có tính lan toả rất lớn đối với đầu tư tư nhân và FDI; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản trị xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống cũng là xu hướng tất yếu của các quốc gia; đồng thời, áp dụng công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Đô thị hóa cũng là một động lực để tăng tổng cầu của nền kinh tế qua tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm. Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị gấp khoảng 1,8 lần khu vực nông thôn và chi tiêu gấp 1,6 lần.