Câu hỏi: (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Xin ông cho biết, những kết quả đạt được cũng như những bất cập còn tồn tại trong thu hút FDI thời gian qua? (Nguồn: https://bnews.vn/sang-loc-cac-khoan-dau-tu-nuoc-ngoai-hieu-qua-de-tang-truong-kinh-te/177312.html)
Trả lời:
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Vốn FDI thực hiện bình quân giai đoạn 2016-2019 chiếm trên 23% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tỷ trọng bình quân GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016-2019 chiếm 19,8% trong tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Khu vực FDI thu hút gần 5 triệu lao động, chiếm 31,8% trong tổng số lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp và tạo ra lợi nhuận cao nhất chiếm tới trên 42% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Hiệu quả đầu tư kinh doanh của khu vực FDI thể hiện qua các chỉ tiêu như hiệu suất sinh lợi trên tài sản và hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần đều cao hơn khá nhiều so với khu vực kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, theo tôi, trong hơn 30 năm qua kết quả thu hút FDI của nước ta còn một số bất cập như: thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định.
Bên cạnh đó, sự liên kết, tương tác với khu vực kinh tế trong nước thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ hạn chế. Các dự án FDI chưa đóng góp nhiều vào việc gắn kết nền kinh tế trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hầu hết các dự án FDI là dự án 100% vốn nước ngoài, liên doanh giữa nước ngoài với doanh nghiệp trong nước không đáng kể; không đạt được mục đích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến.
Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào các dự án FDI còn yếu. Việc phân quyền cho các địa phương trong thu hút FDI có nhiều bất cập.
Theo tôi, trừ Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phần lớn đến từ các nước mới phát triển và có vị trí địa lý gần Việt Nam, hầu như không thấy vai trò và bóng dáng các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển có công nghệ hàng đầu, tri thức và văn hoá kinh doanh tin cậy.
Với hệ luỵ của đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều công ty Mỹ và Nhật muốn di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, nhưng tại Việt Nam cho thấy sự hiện diện rõ nét và “vươn lên” mạnh mẽ của các nhà đầu tư Trung Quốc.