Những phát hiện thú vị về Giải Nobel Kinh tế 2013
Mùa giải Nobel 2013 đã chính thức khép lại vào ngày 14/10 với việc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia (HLKHHG) Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế dành cho công trình nghiên cứu “dự báo về giá cả tài sản trong dài hạn” của “bộ tam hợp” người Mỹ.
Đó là Giáo sư Eugene F. Fama đến từ Đại học Chigago vì chứng minh được giá cổ phiếu là cực kỳ khó dự đoán về ngắn hạn, Giáo sư Robert J. Shiller vì những phát hiện rằng giá cổ phiếu biến động nhiều hơn so với giá cổ tức của công ty từ những năm 1980, và người cuối cùng là Giáo sư Lars Peter Hansen cũng đến từ Đại học Chicago vì hình thành được một phương pháp thống kê để kiểm tra các giả thuyết về định giá tài sản.
Những người chiến thắng, họ là ai?
Trong ba chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay, có lẽ Giáo sư (GS) Robert Shiller là người được biết đến nhiều nhất trong giới tài chính với chỉ số giá nhà đất mang tên chính nhà kinh tế học này: S&P/Case-Shiller.
GS Shiller, tên đầy đủ là Robert James “Bob” Shiller, sinh ngày 29/3/1946 tại Detroit, tiểu bang Michigan, là người gốc Lithuania và hiện đang là giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Yale ở New Haven. Ông lập gia đình với nhà tâm lý học Marie Virginia (Faulstich) và có 2 người con. Năm 1967, ông tốt nghiệp tại Đại học Michigan và nhận bằng tiến sĩ 5 năm sau đó tại Học viện Công nghệMassachusetts (MIT – Massachusetts Institute of Technology).
Ông bắt đầu công tác giảng dạy tại Đại học Yale từ năm 1982 và từng là giảng viên tại Trường Quản trị kinh doanh Wharton School thuộc Đại học Pennsylvania và Đại học Minnesota. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên có những bài giảng tại Trường Kinh tế London. Ngoài 2 lĩnh vực nghiên cứu chính là thị trường tài chính và đổi mới tài chính, ông còn nghiên cứu về kinh tế học hành vi, kinh tế học vĩ mô, phân tích thị trường bất động sản, áp dụng các phương pháp thống kê và những ảnh hưởng của dư luận về nền kinh tế. Ông đã cho ra đời nhiều cuốn sách nổi tiếng và một trong số đó là cuốn “Exuberancia Irracional” (2001) (tạm dịch: Hưng phấn bất hợp lý) nói về sự hưng phấn thái quá trên các thị trường bất động sản và tài chính rất dễ dẫn tới khủng hoảng tài chính. Ông cũng là cây viết chính trong chuyên mục “Tài chính cho thế kỷ XXI” của trang bình luận Project Syndicate và “Tầm nhìn kinh tế” của tờ The New York Times.
GS Eugene Fama, tên đầy đủ là Eugene Francis “Gene” Fama, sinh ngày 14/2/1939 ở Boston, Massachusetts và hiện đang là Giáo sư danh dự chuyên ngành Tài chính ở Trường Đại học Chicago. Bố và mẹ ông là người nhập cư từ Italia. GS Eugene Fama được biết tới như là “cha đẻ của tài chính hiện đại” do những cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu thị trường và những nỗ lực mang khoa học và kinh nghiệm vào lĩnh vực quản lý đầu tư.
Phần lớn những nghiên cứu của vị giáo sư này đều tập trung vào “mối quan hệ giữa rủi ro – lợi nhuận và những hậu quả tồn tại trong lĩnh vực quản lý danh mục đầu tư”. Năm 1960, GS Eugene Fama tốt nghiệp Đại học Tufts và nhận bằng tiến sĩ 4 năm sau đó tại Trường Đại học Chicago. Ông là một nhà nghiên cứu, nhà diễn thuyết kinh tế nhưng cũng cho ra đời 2 cuốn sách và đăng hơn 100 bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học. Ngoài ra, ông còn là thành viên của Hiệp hội Tài chính Mỹ, Hiệp hội Kinh tế lượng Mỹ, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ; cố vấn của tạp chí khoa học “Journal of Financial Economics” (tạm dịch: Tạp chí Kinh tế Tài chính).
GS Robert Shiller, GS Eugene Fama, GS Lars Peter Hansen.
Ông cũng là Giám đốc và chuyên gia tư vấn tài chính của Dimensional Fund. Vị giáo sư này từng được nhận nhiều giải thưởng lớn về kinh tế, tài chính như Fred Arditti Innovation Award 2007, Giải thưởng của Ngân hàng Deutsche Bank cho lĩnh vực kinh tế tài chính năm 2005, Giải thưởng Tài chính xuất sắc của Hiệp hội Tài chính Mỹ năm 2007 và giải Onnasis trong Tài chính năm 2009.
Người cuối cùng là GS Lars Peter Hansen. Sinh ngày 26/10/1952 tại Urbana thuộc tiểu bang Illinois, GS Lars Peter Hansen cũng là Giáo sư danh dự tại Đại học Chicago chuyên ngành Kinh tế, Tài chính và Thống kê. Ông nổi tiếng trong giới khoa học gia vì những đóng góp cho lĩnh vực kinh tế học vĩ mô và đặc biệt là những phát hiện thú vị trong mối quan hệ giữa kinh tế và tài chính.
Những nghiên cứu của ông góp phần tạo ra các mô thức toán học, được sử dụng để ước tính xác suất của các biến chuyển tài chính. Các chuyên gia kinh tế có thể dùng các mô thức toán thống kê này để ước tính mức tiêu thụ, mức đầu tư vào trương mục tiết kiệm và trị giá của tài sản. GS Hansen là một trong những người thành lập ra Becker Friedman Institute tại Đại học Chicago và cũng là Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu tại đây.
Năm 2010, ông được trao giải thưởng của BBVA Foundation Frontiers of Knowledge Awards về những “đóng góp cơ bản giúp các nhà làm kinh tế hiểu cách làm sao để đối mặt với những rủi ro và những thay đổi của môi trường”. Ngoài ra, GS Hansen còn là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, Hiệp hội Tài chính Mỹ, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ và của Hiệp hội Kinh tế lượng nơi ông từng làm Giám đốc.
Sự kết hợp thú vị
Xung đột tư tưởng về tính hiệu quả của thị trường giữa hai vị GS Fama và Shiller bắt nguồn từ những năm 1960. Khi đó, GS Fama cùng các cộng sự của mình đã chứng minh được rằng, giá cổ phiếu không thể dự đoán được trong ngắn hạn vì thị trường sẽ khiến mọi thông tin phục vụ cho việc dự báo nhanh chóng tích hợp vào trong giá, hay đơn giản hơn, mọi quyết định mua bán cổ phiếu trong ngắn hạn dù có hợp lý thì cũng chỉ là một trò chơi đen đỏ, đầy may rủi cho dù giá cổ phiếu đã bao gồm đầy đủ mọi thông tin trên thị trường và người mua/bán đưa ra quyết định sau khi đã phân tích những thông tin đó.
Từ đó, GS Fama cho ra đời “Giả thuyết thị trường hiệu quả” (efficient markets hypothesis). Tuy nhiên, lý thuyết này đã bị GS Shiller gọi là “một trong những sai lầm trong lịch sử tư duy kinh tế học” vì nếu giá tài sản gần như không đoán trước trong ngắn hạn (vài ngày hay vài tuần), thì việc dự báo giá tài sản trong dài hạn (vài năm) có phải còn khó khăn hơn? Đến đầu thập niên 1980, Shiller đã chứng minh được rằng, giá chứng khoán biến động mạnh hơn nhiều so với cổ tức doanh nghiệp trong dài hạn.
Và từ đó ông phát hiện ra rằng, việc dự báo trong dài hạn thậm chí còn dễ thực hiện hơn trong ngắn hạn và mô hình giá này không chỉ đúng với chứng khoán mà còn đúng với trái phiếu và các loại tài sản khác. Đây cũng là một bổ sung thú vị cho giả thuyết của GS Fama mà ông từng phản bác. Không chỉ xung đột tư tưởng về tính hiệu quả của thị trường quan điểm về thị trường tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 của Fama và Shiller cũng hoàn toàn đối lập.
Fama, với lý thuyết của mình, cho rằng, thị trường tài chính là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế chứ không phải điều ngược lại, như Shiller vẫn khẳng định. Và rồi xuất hiện Lars Peter Hansen – sự bổ sung cân bằng giữa hai thái cực thị trường hiệu quả và thị trường phi hiệu quả. Ông phát triển một phương pháp thống kê để kiểm tra các giả thuyết về giá tài sản, góp phần làm hoàn thiện mô hình dự báo giá cả tài sản trong dài hạn.
Tựu trung lại, mặc dù nhận được rất nhiều phản đối và chỉ trích, nhưng nghiên cứu của Fama đã đặt nền móng đầu tiên cho những nghiên cứu sau này của Shiller và Hansen về định giá tài sản trong dài hạn.
Giá trị thực tế
Công trình của “bộ tam hợp” người Mỹ đoạt giải Nobel năm nay là một đóng góp quan trọng cho khoa học kinh tế và tài chính, trong phân tích, tư vấn, quyết định chính sách, và trong hoạt động cũng như tiến hóa của thị trường tài chính thế giới. Công trình này sẽ trở thành một công cụ hữu ích cho việc nghiên cứu thị trường tài chính để hiểu nó và từ đó tìm ra cách kiểm soát tính bất duy lý và điều tiết nó một cách hợp lý nhất
Thu Huyền (st)
Nguồn: http://www.cand.com.vn