Trong môi trường dữ liệu phong phú ngày nay, các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các nhận định và cung cấp các vấn đề hữu ích và phù hợp nhất cho công chúng nói chung. Nhưng ai đang nói những chuyện đó?
Một trong những mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 là “Đảm bảo sự tham gia của phụ nữ một cách đầy đủ và có hiệu quả và tạo cơ hội bình đẳng cho các lãnh đạo ở tất cả các cấp ra quyết định trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội”. Do ảnh hưởng của báo chí trong đời sống xã hội, tỷ lệ phụ nữ làm nhà báo có thể được xem là một trong những ví dụ về cơ hội nghề nghiệp được cho là như nhau giữa nam và nữ. Dựa trên thông tin từ 9 quốc gia trong khu vực châu Âu đã cung cấp dữ liệu về số lượng nam và nữ làm nhà báo 15 năm qua, có một số dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ đang được thực hiện hướng tới mục tiêu này.
Năm 2000, có 4 quốc gia là Canada, Hungary, Romania, Slovenia báo cáo có hơn 40% phụ nữ là nhà báo. Đến năm 2015, có tổng số 8/9 quốc gia có tỷ lệ nữ là nhà báo cao hơn 40%, tỷ lệ này cao nhất chiếm 59% ở Slovenia. Ngược lại, ở Canada và Romania, tỷ lệ nữ là nhà báo năm 2015 giảm so với năm 2000 không đáng kể, trong đó ở Hungary tỷ lệ này giảm từ 53% năm 2000 xuống 40% năm 2015.
Ngoài sự khác biệt về tỷ lệ nữ là nhà báo, cũng có những thay đổi lớn số các nhà báo so với lực lượng lao động ở các nước: Từ 10/100.000 ở Romania đến 311/100.000 ở Thụy Sĩ.
Hình 1: Tỷ lệ nữ là nhà báo năm 2000 và năm 2015
Nguồn: Cơ sở dữ liệu thống kê UNECE.
Ghi chú: Các số trong ngoặc trên đồ thị là số các nhà báo trên 100.000 người hoạt động kinh tế ở mỗi nước. Một nhà báo được định nghĩa là người mà nghề nghiệp chính là viết bài cho các báo, tạp chí hay chuẩn bị tin tức, mẩu tin sẽ được phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình hoặc các phương tiện điện tử. Dữ liệu sử dụng cho Croatia và Slovenia tham khảo năm 2014 và Romania là vào năm 2013.
Lan Phương (dịch)
Nguồn: http://www.unece.org/info/media/news/statistics/2017/who-is-telling-the-story-changes-in-the-proportion-of-women-among-journalists-since-2000/doc.html