Nobel Kinh tế: Sự trở lại của thuyết kỳ vọng duy lý Theo The Wallstreet Journal – PTL lược dịch

Thomas Sargent (phải) phát biểu trong buổi họp báo tại ĐH Princeton sau khi biết tin đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay. Ngồi cạnh ông là người cùng đoạt giải – Christopher Sims – Ảnh: AP

Sự lựa chọn cho Giải Nobel Kinh tế năm nay tiếp tục cho thấy giải này ít tính tháp ngà và gần với thực tế hơn các giải Nobel khác.

Hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay, Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims, đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế học hiện đại.

Nghiên cứu của Sargent, Giáo sư trường New York University , đã gây ảnh hưởng sâu rộng tới việc hình thành các mô hình kỳ vọng duy lý (rational expectation models).

Theo thuyết này, con người không chỉ phản ứng thụ động trước hoàn cảnh và những biến động của chính sách kinh tế. Họ dự đoán trước các tình hình tương lai và tự điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với quyền lợi của mình. Điều này nghĩa là sẽ khó để các chính trị gia thao túng người dân hành xử theo những cách phi lý về kinh tế. Ví dụ như chính sách tiền tệ thả lỏng không thể giúp vĩnh viễn hạ bớt tỷ lệ thất nghiệp vì người dân sẽ kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai, đòi hỏi sự bù đắp qua mức lương và lãi suất tiết kiệm cao hơn. Ngược lại, các gói kích cầu không thể vĩnh viễn tăng mức chi tiêu của người dân vì chúng không thật sự làm tăng sự giàu có và thu nhập của nền kinh tế.

Trường phái kỳ vọng duy lý đáng lẽ đã bị phủ nhận qua thực tế những gì xảy ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Khi đó, đa số mọi người đều cho rằng đấy là bài học về những sai sót của thị trường và sự cần thiết phải có bàn tay can thiệp từ chính phủ.

Nhưng ngày nay, thực tế lại cho thấy, thị trường cũng có lý của nó. Khi mà chúng ta vẫn chưa thoát ra được khỏi cơn khủng hoảng, lý thuyết về kỳ vọng duy lý lại tái khẳng định vị trí của mình. Bởi vì rõ ràng là những chương trình “tạm thời”, có “mục tiêu”, theo đường lối của Keynes đã thất bại trong việc giúp phục hồi tăng trưởng.

Christopher A. Sims là giáo sư của đại học Princeton , nổi tiếng nhờ công trình nghiên cứu về các phương pháp xử lý dữ liệu kinh tế vĩ mô, đẹp một cách tinh tế theo nghĩa toán học. Ông là người thường xuyên đề xướng “lý thuyết tài khóa về mức giá”, trong đó cho rằng giá hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào cung tiền, mà phụ thuộc cả vào chính sách tài khóa. Nếu ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt thì chính phủ sẽ buộc phải tìm cách thanh toán các nghĩa vụ nợ bằng những biện pháp gây gia tăng lạm phát.

Sự lựa chọn cho Giải Nobel Kinh tế năm nay tiếp tục cho thấy giải này ít tính tháp ngà và gần với thực tế hơn các giải Nobel khác. Việc trao giải cho hai nhà kinh tế có quan điểm đối lập với tư tưởng của Keynes những năm vừa rồi có lẽ phản ánh tâm lý mệt mỏi với những kết quả hạn chế đạt được từ chính sách kích cầu của các chính phủ kể từ năm 2008

Tiasang.com – MT chọn

Comments (0)
Add Comment