Ngày 06/5/2021, tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Thống kê, Tổng cục Thống kê đã vinh dự được đón đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo. Những biểu dương, đánh giá cao mà Phó Thủ tướng đã dành cho ngành Thống kê trong 75 năm xây dựng và phát triển, đồng thời quán triệt các nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng đã chỉ đạo đối với toàn Ngành. Viện Khoa học Thống kê xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu dưới đây:
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục thống kê và toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Thống kê qua các thời kỳ,
Thưa các vị khách quốc tế, quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tích cực chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tôi rất vui mừng đến dự Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Thống kê (06/5/1946 – 06/5/2021) và chúc mừng ngành Thống kê đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, tôi thân ái gửi tới các quý vị đại biểu và các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Thống kê qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí, cách đây đúng 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ Quốc dân Kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam, nay là Tổng cục Thống kê – một ngành có vị trí, vai trò rất quan trọng. Qua những thước phim tư liệu và bài diễn văn của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chúng ta phần nào thấy được truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Thống kê và những đóng góp to lớn của Ngành đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thống kê đã không ngừng nỗ lực phấn đấu với tinh thần chủ động, tận tâm, tận tụy, đổi mới sáng tạo; không ngừng vươn lên, nêu cao trách nhiệm và lòng yêu nghề, vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Tại buổi lễ long trọng này, chúng ta nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người sáng lập ra ngành Thống kê Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Nha Thống kê Việt Nam đã được Người dành nhiều sự quan tâm và tình cảm đặc biệt. Nhân dịp 75 năm kỷ niệm ngày thành lập ngành Thống kê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng, trong đó ghi nhận “ngành Thống kê đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện tập trung, thống nhất và độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp số liệu xác thực” và “góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gửi thư chúc mừng và có đánh giá ngành Thống kê đã “thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Sau 75 năm phát triển, trưởng thành, ngày nay tổ chức thống kê đã thực sự lớn mạnh với đội ngũ hơn 5.200 công chức, viên chức và người lao động ở tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước; được đào tạo bài bản, có phẩm chất tốt, năng lực chuyên môn sâu, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Thống kê đều có những đóng góp quan trọng, đậm dấu ấn vào sự phát triển và những thành tựu to lớn của đất nước thông qua việc thu thập, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê kinh tế – xã hội trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp; đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự thành công chung của đất nước.
Với quan điểm đổi mới, vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, vừa “Hướng về người dùng tin” của ngành Thống kê trong những năm qua, các đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được tiếp cận một cách rộng rãi, lượng thông tin cung cấp không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng. Qua báo cáo của các đồng chí, tôi đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành Thống kê ở khắp mọi miền đất nước. Có thể khái quát những thành tích nổi bật của ngành Thống kê như sau:
Thứ nhất, ngành Thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ “con số biết nói” thông qua phân tích, giải thích, trình bày và tổ chức dữ liệu thống kê để phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện thành công nhiều cuộc điều tra thống kê quy mô lớn, tạo nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều ấn phẩm, chuyên đề thống kê được biên soạn ngày càng chất lượng, nội dung ngày càng đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt nhiều đối tượng dùng tin khác nhau, trong đó nổi bật có thể kể đến như: niên giám thống kê, sách trắng doanh nghiệp, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng, quý, năm, số liệu GDP và GRDP… Xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế hàng quý và cả năm; làm rõ thêm các vấn đề trọng tâm cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên tổ chức họp báo hàng quý ở cả cấp Trung ương và địa phương, có giải trình, đảm bảo tính trung thực, khách quan số liệu thống kê, nhận được sự đồng tình cao của xã hội và người dân. Đặc biệt, tôi ghi nhận và biểu dương việc các đồng chí đã chủ động, công phu biên soạn và cập nhật số liệu để phục vụ công tác của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội trong việc tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020; xây dựng Chiến lược 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thống kê và thúc đẩy hội nhập. Sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê năm 1988, Luật Thống kê năm 2003, Luật Thống kê sửa đổi năm 2015, cùng theo đó là sự ra đời của các Nghị định, Thông tư là những bước tiến dài trong việc củng cố môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Cùng với hệ thống văn bản pháp lý, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; và sắp tới đây, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt là những căn cứ quan trọng, tầm nhìn chiến lược, định hướng lâu dài cho Thống kê Việt Nam tiếp bước vững chắc trong bối cảnh yêu cầu về thông tin thống kê ngày càng nâng cao cả về chất lượng và số lượng.
Thứ ba, chuyên môn, nghiệp vụ thống kê từng bước được nâng lên, đi vào chuyên sâu trên mọi mặt, đáp ứng ngày càng toàn diện yêu cầu đánh giá và dự báo tình hình trong nước và so sánh quốc tế. Một số đổi mới căn bản về phương pháp luận mà ngành Thống kê đã thực hiện tốt như: Áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), biên soạn các chỉ tiêu thống kê GDP, GNP, đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP)…. đã cung cấp những thông tin quan trọng phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số năng lực thống kê Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt, từ 64,44 điểm năm 2010 tăng lên 74,44 điểm năm 2020, tăng 2 bậc và hiện xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, chỉ số phương pháp luận thống kê năm 2020 đạt 50 điểm, tăng 20 điểm so với năm 2010.
Thứ tư, ngành Thống kê là một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Năm 2019, Tổng cục Thống kê được trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Ngành Thống kê đã xây dựng, vận hành hệ thống họp trực tuyến từ Tổng cục Thống kê đến toàn bộ 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đang trong quá trình mở rộng đến cấp Chi cục Thống kê, giúp nâng cao sự tương tác giữa Trung ương với địa phương cả về số lượng, thành phần tham dự và chất lượng truyền tải thông tin. Hướng tới chuyển đổi số toàn diện, ngành Thống kê đang triển khai phần mềm quản lý công việc (Taskgov) đối với toàn bộ công chức, viên chức và người lao động trong quản lý, điều hành, tương tác công việc; cập nhật tình hình thực hiện, tiến độ và đánh giá khối lượng công việc đã thực hiện.
Thứ năm, quan hệ hợp tác giữa Thống kê Việt Nam và thống kê các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế ngày càng mở rộng, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trên các diễn đàn quốc tế. Tổng cục Thống kê đã tham gia tích cực vào các hoạt động thống kê của các tổ chức quốc tế như: Thống kê Liên hợp quốc, thống kê ASEAN; chủ động tích cực, tham gia thường xuyên và có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy hoạt động thống kê khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Nam Á… Thống kê Việt Nam cũng triển khai hợp tác song phương hiệu quả với thống kê nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Với công lao và thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Thống kê và nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhân Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành, các đồng chí vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, tôi biểu dương, chia vui và chúc mừng những thành tích to lớn, sự trưởng thành vượt bậc và truyền thống vẻ vang mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thống kê đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt 75 năm qua.
Thưa các đồng chí,
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh khoa học công nghệ, công nghệ thông tin phát triển bùng nổ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra một cách mạnh mẽ, thì vai trò của ngành Thống kê sẽ ngày càng quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.
Hiện nay, chúng ta đang tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó “Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới”. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thống kê, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững, tôi đề nghị ngành Thống kê trong thời gian tới cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; phân tích kịp thời và dự báo những biến động lớn của từng ngành, lĩnh vực; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê của các đối tượng sử dụng trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác phân tích xây dựng các “kịch bản” phát triển kinh tế – xã hội chính xác, đầy đủ, kịp thời, chuyên sâu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt tất cả các cuộc điều tra, trong đó, đặc biệt là Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Thông tin Tổng điều tra kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, chính sách, do vậy, nếu chất lượng thông tin đầu vào không tốt, không phản ánh chính xác tình hình kinh tế – xã hội, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác hoạch định chính sách của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Hai là, tập trung xây dựng Chương trình hành động và kế hoạch chi tiết để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nền tảng nhằm hướng tới xây dựng hệ thống thống kê Việt Nam hiện đại theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển và bền vững.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác phương pháp chế độ thống kê, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê. Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Thống kê cần hoàn thiện, sớm ban hành các phương án điều tra, chế độ báo cáo thống kê, áp dụng một số phương pháp thống kê mới; Khẩn trương triển khai việc kết nối chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả, phục vụ quản lý, điều hành các cấp.
Bốn là, nâng cao trình độ chuyên môn với chất lượng đội ngũ ngày càng cao, tập trung đào tạo, đào tạo lại nhằm trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ tốt hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác, nâng cao vị thế Thống kê Việt Nam trong khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần Thống kê thế giới “Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”. Đội ngũ lãnh đạo cốt cán của Ngành từ Trung ương đến địa phương cần có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, nêu cao tinh thần nêu gương.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê, đẩy mạnh cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu khi Việt Nam đã tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại. Việc hội nhập là cơ hội rất tốt để ngành Thống kê có thể tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức thống kê, các nước có trình độ thống kê tiên tiến trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.
Nhân buổi Lễ kỷ niệm hôm nay, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để ngành Thống kê ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả hơn nữa; chỉ đạo Tổng cục Thống kê sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.