Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP năm sau tăng 6,5 – 7%, lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%, đảm bảo kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.
Quốc hội chiều ngày 12/11 đã thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội với sự đồng thuận của gần 89% đại biểu.
Mục tiêu chung của năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Nghị quyết đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5 – 7% và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và ổn định kinh tế.
Trước đó, một số đại biểu đề nghị cân nhắc tăng GDP lên hai con số, nhưng Chính phủ cho rằng mức hiện tại đã tính toán đầy đủ các yếu tố thuận lợi và khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, đảm bảo khả năng phục hồi ổn định.
Trong nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành linh hoạt và mở rộng hợp lý, có trọng điểm.
Chính phủ cũng được khuyến nghị nghiên cứu tận dụng dư địa về nợ công, nợ chính phủ, bội chi để huy động thêm nguồn lực cho phát triển
Chỉ tiêu | |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) | 6,5 -7% |
GDP bình quân đầu người | 4.900 USD |
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP | 24,1% |
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân | 4,5% |
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân | 5,3-5,4% |
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội | 25-26% |
Tỷ lệ lao động qua đào tạo | 70% |
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị | Dưới 4% |
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) | Giảm 0,8-1% |
Số bác sĩ trên 1 vạn dân | 15 bác sĩ |
Số giường bệnh trên 1 vạn dân | 34,5 giường |
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế | 95,15% |
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới | 80,5-81,5% |
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn | 95% |
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường | 92% |
Về đầu tư công, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm, phân cấp và trao quyền quyết định cho địa phương, đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu, không để đầu tư dàn trải, manh mún.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thu hồi, bỏ các dự án không làm theo kế hoạch, chưa cần thiết để dành nguồn lực ngân sách cho các công trình kết nối quốc gia; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, sớm hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới.
Nghị quyết còn yêu cầu Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vàng, trái phiếu và bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ cần đẩy nhanh đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém.
Trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, sửa Luật Điện lực và trình cấp có thẩm quyền báo cáo khởi động lại điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, hydrogen.
Về nguồn nhân lực, nghị quyết nhấn mạnh vào việc đào tạo, phát triển nhân tài, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên và mới mới.
Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư cần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, siết chặt kỷ luật hành chính để hoạt động hiệu quả và minh bạch.
Cuối cùng, Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp tục phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và dân sự; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, thông tin, tuyên truyền với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
Nguồn: theleader.vn