Quốc hội quyết tăng trưởng GDP năm 2019 tối đa 6,8%

Tăng trưởng kinh tế GDP năm 2019 sẽ trong khoảng 6,6-6,8% và lạm phát tiếp tục kiềm chế 4%.

Sáng 8/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội với 92,16% đại biểu tán thành.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2019 là 6,6-6,8%; lạm phát khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7- 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%…

Góp ý kiến trước đó về các chỉ tiêu này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng nên đặt kế hoạch GDP tăng 6,8-7%. Tuy nhiên, quá trình thẩm tra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy chỉ tiêu GDP năm sau đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện 2018 đạt và vượt 6,7%.

“Dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế thì kế hoạch tăng GDP 6,6-6,8% bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.

Về mục tiêu lạm phát khoảng 4%, cơ quan thường trực Quốc hội cũng cho rằng “là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức”. Chỉ tiêu này, theo lý giải của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, được đưa ra trên cơ sở nhiều dự báo sức ép lạm phát ngày càng lớn.

Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Cùng đó, lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.

12 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Kế hoạch

1

Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

6,6-6,8

2

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI)

%

4

3

Tổng kim ngạch xuất khẩu

%

7-8

4

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu

%

< 3

5

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội

%GDP

33-34

6

Tỷ lệ hộ nghèo

%

giảm 1-1,5

riêng huyện nghèo là 4

7

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị

%

< 4

8

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

60-62

Đào tạo có văn bằng, chứng chỉ

%

24-24,5

9

Số giường bệnh/một vạn dân

giường/ một vạn dân

27

10

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế

%

88,1

11

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn

%

89

12

Tỷ lệ che phủ rừng

%

41,85

Để hoàn thành các mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Chính sách lãi suất, tỷ giá cũng cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Giá dịch vụ công điều chỉnh cần tránh gây ra tác động bất lợi tới CPI. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kiên định mục tiêu thu hút có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục cơ cấu thu – chi ngân sách, quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, bất động sản minh bạch và lành mạnh. Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn.

Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phải gắn liền với xử lý nợ xấu. Sở hữu chéo tại các ngân hàng cần được giám sát xử lý để ngăn chặn tình trạng các cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng phục vụ lợi ích riêng.

Thái Học (sưu tầm)

Nguồn: https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/quoc-hoi-quyet-tang-truong-gdp-nam-2019-toi-da-6-8-3836010.html

GDP
Comments (0)
Add Comment