Phong trào thi đua của ngành Thống kê đã thành nền nếp và góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị hàng năm. Trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Cùng với những thành tích đạt được, trong hoạt động công vụ của mình, các cá nhân tiên tiến nhất (chiến sĩ thi đua) đã đưa ra được những giải pháp mới – sáng kiến để mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, cũng còn nhiều tác giả chưa xác định được như thế nào là một sáng kiến? chưa biết cách viết sáng kiến… theo qui định của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/03/2012 của Chính phủ. Bài viết này xin giới thiệu cách nhận biết và viết một sáng kiến trong phong trào thi đua của ngành hàng năm để bạn đọc tham khảo.
Nhận biết sáng kiến thi đua
Muốn viết được đầy đủ, mô tả chân thực một sáng kiến thi đua, điều đầu tiên chúng ta cần phải biết nội hàm của sáng kiến thi đua. Theo Điều 3, Chương I Nghị định số 13/2012/NĐ-CP(NĐ 13) thì “…Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;
– Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực…
Các đối tượng sau đây không được công nhận là sáng kiến:
– Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội;
– Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến…
Để hiểu rõ và phân biệt sáng kiến với các giải pháp là phải “có tính mới và mang lại lợi ích thiết thực”. Cũng theo Nghị định 13 thì “tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực” là “…Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi một cơ sở nếu tính đến trước ngày nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), trong phạm vi cơ sở đó, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
-Không trùng với nội dung của giải pháp trong đơn đăng ký sáng kiến nộp trước;
– Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;
– Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;
– Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện…”
và “…Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế (ví dụ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật), hoặc lợi ích xã hội (ví dụ nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người)…”
Từ những cơ sở trên thì sáng kiến thi đua phải là sáng kiến theo quy định của Nghị định 13. Mấy năm qua, hiện tượng xảy ra phổ biến là không phân biệt được sáng kiến với chuyên đề, bài báo, viết sách, mô tả một tác nghiệp nghiệp vụ trong hoạt động thống kê… Nội dung viết tuy có “mới” nhưng lại không đem được lợi ích gì và được đồng nghiệp công nhận, phổ biến rộng rãi… Để nhận biết dễ một sáng kiến thi đua, chúng ta phân tích ví dụ sau đây:
– Sáng kiến “Sử dụng đèn LED trong phổ biến thông tin thống kê”, “cái mới” là một “vật mang tin” – hình thức đầu tiên trong việc công bố và phổ biến thông tin thống kê ở nước ta; mở rộng và dễ tiếp cận cho đối tượng sử dụng tin; tuyên truyền pháp luật và các hoạt động của thống kê… Còn “lợi ích” đem lại là một giải pháp để Cục Thống kê hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tiết kiệm chi phí (thuê thông tin đại chúng, thuê khẩu hiệu, đèn điện bảo vệ…); đẹp công sở…
– Sáng kiến “Hướng dẫn thành lập Hộ Dịch vụ thống kê, Công ty Dịch vụ thống kê”. “Cái mới” là chưa có trên thị trường. Còn “lợi ích” đem lại là: Khắc phục những hạn chế thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng ngân sách, nâng cao chất lượng số liệu thống kê, sử dụng thời gian lao động của công chức hợp lý và hiệu quả, năng suất lao động tăng, tiết kiệm được ngân sách…
Cách viết sáng kiến thi đua
Sau một thời gian qui định giải pháp “mới” được áp dụng và mang lại hiệu ích cao hơn trước thì tác giả sáng kiến viết sáng kiến của mình sáng tạo ra thành văn bản. Sau đây xin đưa ra Đề cương viết sáng kiến thi đua với những nội dung rất cơ bản, đủ thông tin để đáp ứng được việc mô tả bản chất chân thực của một sáng kiến theo quy định của Nghị định số 13.
ĐỀ CƯƠNG Viết Sáng kiến thi đua (Áp dụng trong phong trào thi đua tại Tổng cục Thống kê)
Đặt vấn đề – Lý do sáng tạo: Sáng kiến – Tên sáng kiến 1. Tình hình (thực trạng) công việc đã và đang làm (trước khi có sáng kiến) – Mô tả công việc (đã làm được, chưa làm được, hạn chế…); – Phân tích hạn chế, bất cập….; – Tìm nguyên nhân và các giải pháp, trong đó cần phải có sáng kiến…; – Ghi tên và đóng góp của từng thành viên trong nhóm tác giả cùng tạo ra sáng kiến (nếu có). 2. Nội dung của sáng kiến – Cơ sở pháp lý, thực tiễn – Nội dung sáng kiến: + Quy trình; + Cách ứng dụng; … – Kết quả áp dụng lần đầu hoặc kết quả áp dụng thử + Năng suất lao động? + Khắc phục hạn chế như thế nào? (Trả lời được câu hỏi: Có tốt hơn trước không?) + Có số liệu, thông tin để chứng minh lợi ích thu được do áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử và dự kiến lợi ích thu được …(giảm chi phí, tăng thu, giảm lao động, chất lượng thông tin thống kê, lợi ích chính trị, xã hội…) … 3. Phương hướng áp dụng – Tiếp tục cải tiến giải pháp đã áp dụng; – Phổ biến ra các đơn vị khác; – Kiến nghị; – Đăng kí công nhận sáng kiến với cơ quan có thẩm quyền;
Xác nhận của Hội đồng sáng kiến cơ sở Tác giả |
Tài liệu tham khảo
(1) Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/03/2012 của Chính phủ về Ban hành Điều lệ sáng kiến;
(2) Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và công nghệ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13
TS. Vũ Thanh Liêm
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê