Câu hỏi: (PV Thúy Hiền – TTXVN) Tổng cục Thống kê là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu, lựa chọn phương pháp đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Vậy, Tổng cục Thống kê sẽ dùng phương pháp nào để có thể đo lường được các hoạt động này, thưa Ông?
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Theo lý luận của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong nền kinh tế tồn tại 2 khu vực, đó là: Khu vực kinh tế đã được quan sát và khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Theo đó, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 nhóm: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Tôi cho rằng, các hoạt động trong khu vực kinh tế chưa được quan sát có bản chất kinh tế khác nhau, nhưng thường đan xen với nhau, gây khó khăn cho việc xác định và đo lường.
Hiện nay, trên thế giới có 3 phương pháp đo lường phổ biến là: Phương pháp trực tiếp; phương pháp gián tiếp và phương pháp ước lượng mô hình.
Việc sử dụng phương pháp đo lường nào sẽ phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của từng nhóm; phù hợp với điều kiện và nguồn lực hiện có nhằm bảo đảm tính khả thi và theo lộ trình hợp lý.