Thống kê phải chính xác, khách quan, thống nhất, kịp thời phục vụ phát triển KT-XH

Chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thống kê sửa đổi với nhiều ý kiến xác đáng, được cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu, chiều 25/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sửa đổi 3 nội dung lớn đối với công tác thống kê

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê được tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.

Đó là, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội và sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Tờ trình của Chính phủ phân tích: Các chỉ tiêu về GDP và GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tiễn, quy trình này đã được kiểm nghiệm; khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương với địa phương; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP; bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống, tính kết nối ở các khâu của quy trình; bảo đảm tính phù hợp giữa số liệu GDP và GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA),…

Quy trình biên soạn GDP và GRDP là quy trình mang tính kỹ thuật chuyên sâu. Chính phủ ban hành quy trình này sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh, cũng như trách nhiệm phối hợp của thống kê Bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các thông tin thống kê cho công tác biên soạn và đánh giá lại quy mô GDP và GRDP.

Việc luật hóa các quy định trên sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý; hiệu quả trong thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê; bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong biên soạn, công bố GDP và GRDP.

Luật Thống kê: Nâng lên 222 chỉ tiêu với 20 nhóm

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển KT-XH của đất nước.

Về nhóm chỉ tiêu, Uỷ ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu).

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tích hợp số liệu điều tra 53 dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Cho ý kiến về Luật Thống kê sửa đổi, các đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương), Nguyễn Hải Quân (TPHCM) tán thành việc sửa đổi luật, nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình KT-XH của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

Đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm một số chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người dân ở nông thôn so với thành thị, giữ lại nhóm chỉ tiêu bảo vệ rừng, thống kê nhóm trẻ em nghèo yếu thế, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động trẻ em, cụ thể hoá cách tính chỉ tiêu kinh tế số, kinh tế xanh, chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về số học sinh mầm non/ giáo viên…

Sớm ban hành các văn hành hướng dẫn thi hành để luật được áp dụng ngay

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ chủ động nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là đối với các nội dung lớn được tập trung sửa đổi lần này trong dự thảo luật.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, thống kê phải đánh giá được thực trạng của ngành đó ra sao, dự báo thời gian tới.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu, phối hợp với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án tốt nhất.

Giải trình và làm rõ một số nội dung mà đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật Thống kê lần này đã nâng lên 222 với 20 nhóm chỉ tiêu thống kê so với 186 chỉ tiêu như Luật Thống kê được Quốc hội thông qua năm 2015, tập trung vào 3 nội dung lớn như Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Qua thảo luận, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu như làm rõ khái niệm về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê, quy trình biên soạn và công bố chỉ tiêu thống kê, phương pháp tính, bổ sung hoặc tách nhập một số chỉ tiêu như bình đẳng giới, lao động trẻ em, phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, rà soát các chỉ tiêu ở các bộ, ngành, địa phương, khả năng thực hiện, nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu thống kê, trách nhiệm biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia, tăng cường công nghệ thông tin trong công tác thống kê để rút ngắn thời gian, tính chính xác, giảm chi phí…

Theo dự kiến chương trình nghị sự, Luật Thống kê sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 này.

Lê Sơn

Nguồn: https://baochinhphu.vn/

Comments (0)
Add Comment