Sáng 1/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia, chủ trì họp Ban Chỉ đạo, đánh giá về công tác điều hành giá nửa đầu năm, biện pháp những tháng cuối năm, quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Ban chỉ đạo điều hành giá
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc sớm kiểm soát được dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho phát triển. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao công tác chống dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam. Mới đây, Đại học Harvard của Mỹ đã đề nghị Việt Nam giới thiệu một bài viết về kinh nghiệm thành công của Việt Nam.
Thủ tướng dẫn lại lời một chuyên gia về ASEAN đánh giá về Việt Nam, đó là trên nhiều khía cạnh, Việt Nam đang viết lên một câu chuyện đặc biệt về chính mình. Việt Nam là một điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi không còn lạ lẫm gì, nhưng việc ứng phó thành công với Covid-19 đã đưa Việt Nam đến một vị thế khác. Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để phục hồi nhanh, tiếp tục chương trình cải cách của mình như giải quyết các lỗ hổng…
Với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy kích cầu nội địa, nhất là du lịch, hàng không, dịch vụ bán lẻ. Thông tin đáng mừng là hoạt động dịch vụ du lịch đã trở lại sôi động, nhiều hãng đã khôi phục tỷ lệ lớn về các đường bay, chuyến bay. Các khách sạn lưu trú đã đông khách trở lại.
Mặc dù dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ quyết tâm phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô. Đây là mục tiêu quan trọng và Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, không được bàn lùi. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta ở tư thế phòng thủ bệnh tật trong phát triển, không phải phòng thủ bình thường mà phòng thủ cao trong phát triển. Một tinh thần là không được để dịch bệnh Covid-19 quay lại lần thứ hai, vì điều đó sẽ xóa bỏ mọi thành quả, nỗ lực của cả đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, đất nước không thể không phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đánh giá thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. 5 nước ASEAN có quy mô kinh tế lớn cũng được dự báo tăng trưởng âm. Riêng Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 2,7% trong năm nay.
Thủ tướng cho biết, 6 tháng đầu năm, GDP cả nước chỉ đạt 1,81%, mức thấp nhất 10 năm qua, nhưng vẫn là mức cao của thế giới. Để thúc đẩy kinh tế xuất khẩu đất nước nửa cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh đến 4 yêu cầu.
Thứ nhất là thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể và Chính phủ phấn đấu tăng trưởng đạt 4%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của các cấp, ngành và nhân dân.
Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội và chống thất nghiệp, bởi trên thế giới đang có hàng trăm triệu người mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây chính là cơ hội để chúng ta tăng cường công tác đào tạo nghề, tái cơ cấu đào tạo lao động.
Thứ ba là đặt mục tiêu kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%. Đây là yếu tốt rất quan trọng góp phần ổn định tỷ giá, qua đó thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân. CPI 6 tháng đầu năm tăng 0,66%, đưa CPI bình quân giảm dần từ mức cao 6,54% về mức 4,19%, dần tiệm cận với chỉ tiêu lạm phát ở mức không quá 4% Quốc hội giao.
Do đó theo Thủ tướng, cần làm rõ nguyên nhân, áp lực tăng giá đối với lạm phát ở Việt Nam là gì để có biện pháp ứng phó. Vừa qua giá xăng dầu tăng liên tiếp 3 lần cũng tác động đến lạm phát, nên phải dự báo giá xăng dầu thế giới để có biện pháp kiểm soát được giá xăng dầu nửa cuối năm. Bên cạnh đó, dù giá thịt lợn đã giảm từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục có biện pháp giảm giá thịt lợn.
Thứ tư là đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nửa cuối năm xảy ra nhiều yếu tốt bất thường như mưa bão, lũ lụt. Song song với đó là dự trữ lương thực đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, có thể can thiệp trong bất kỳ tình huống nào.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm trong tháng 6, hiện ở mức khoảng từ 83.000 đến 90.000 đồng/kg. Giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 140.000 đến 170.000 đồng/kg. Giá thịt có xu hướng giảm là do lợn nhập khẩu. Giữa tháng 6 đã có 500 con lợn sống đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam. Đến 22/6 đã có 15 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn sống thương phẩm từ Thái Lan vào Việt Nam, trong đó có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu với số lượng dự kiến 1,9 triệu con.
Theo Tổng cục Thống kê, ngoài giảm giá thịt lợn thì việc quan trọng nữa là cần điều hành giá điện, xăng dầu ở mức hợp lý để góp phần thực hiện được mục tiêu kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với giá dịch vụ y tế, do chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7, nên chưa tạm thời giá dịch vụ y tế cũng chưa điều chỉnh theo lương cơ sở.
Đối với giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện nay, giá sách giáo khoa do các nhà xuất bản tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá ban, thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền. Hiện có 3 nhà xuất bản đã thực hiện kê khai giá từ 5-6 lần đối với 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với Bộ Tài chính./.
Lan Phương (st)
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chinh-phu-phan-dau-tang-truong-4-trong-nam-nay-1065933.vov