Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư)Tính CPI làm thế nào để chính xác hơn thưa ông? (Nguồn: https://baodautu.vn/cach-xac-dinh-cpi-la-chinh-xac-nhung-can-giai-thich-ro-hon-d146637.htmll)
Trả lời:
Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương)
Trên thị trường có hàng chục ngàn loại hàng hóa, dịch vụ, nhưng hiện tại, Tổng cục Thống kê chỉ lấy 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI. Cứ mỗi 5 năm, Tổng cục Thống kê lại thay đổi rổ hàng hóa, nhiều mặt hàng được đưa ra và cũng có thêm nhiều loại hàng hóa được đưa vào. Ngay trong những mặt hàng được giữ lại cũng thay đổi lại quyền số cho phù hợp với cơ cấu chi tiêu của người dân.
Tuy nhiên, do cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi nhanh hơn, nên cố định rổ hàng hóa và quyền số tính CPI trong 5 năm là không phù hợp. Thậm chí, trong một năm, cơ cấu chi tiêu của mỗi gia đình cũng có sự thay đổi rất mạnh trong mỗi tháng. Chẳng hạn, vào mùa hè, chi tiêu cho tiền điện, du lịch, nghỉ mát, ăn uống ngoài gia đình nhiều hơn; hay vào đầu năm học, chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn, nhưng quyền số tính CPI vẫn cố định, khiến việc tính CPI không chính xác như thực tế chi tiêu của người dân.
Vì vậy, theo tôi, vẫn tính và công bố cả CPI hằng tháng và CPI bình quân, nhưng nên rút ngắn thời gian xác định rổ hàng hóa và quyền số tính CPI với từng mặt hàng theo từng tháng.