Tổng cục Thống kê đón tiếp và làm việc với Cơ quan Thống kê Bangladesh

Ngày 9/5/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã đón tiếp và làm việc với đoàn đại diện của Cơ quan Thống kê Bangladesh trong khuôn khổ học tập kinh nghiệm triển khai Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ. Đây là hoạt động quan trọng nhằm cung cấp thông tin về bạo lực đối với phụ nữ và cập nhật tình hình bạo lực trong cộng đồng. Điều tra này cũng sẽ giúp xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo bình đẳng giới thực chất trong tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam cũng như tại Bangladesh.

Thành phần tham dự buổi đón tiếp và làm việc có: Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Dương, chủ trì buổi làm việc; đại diện lãnh đạo cùng chuyên viên một số đơn vị thuộc TCTK; đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam; đoàn đại diện Cơ quan Thống kê Bangladesh.

Đoàn đại diện Cơ quan Thống kê Bangladesh tại buổi đón tiếp

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Dương bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn đại diện Cơ quan Thống kê Bangladesh tới Việt Nam thăm quan và làm việc. Đồng thời chia sẻ, với sự hỗ trợ của các bên liên quan và các tổ chức quốc tế, Thống kê Việt Nam đã tiến hành 2 cuộc khảo sát quốc gia về sức khỏe phụ nữ và kinh nghiệm cuộc sống, với nội dung cụ thể là thu thập thông tin về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam trong năm 2010 và 2019. Đây là cuộc điều tra đặc biệt, hết sức nhạy cảm và được thiết kế cẩn thận, các bước tiến hành cụ thể, được áp dụng chặt chẽ các biện pháp an toàn và đạo đức khi thực hiện. Với cuộc điều tra lần đầu tiên vào năm 2010 do Chương trình chung về bình đẳng giới tại Việt Nam hỗ trợ, một nghiên cứu đã được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm tìm hiểu những thông tin chi tiết về mức độ phổ biến và các loại hình bạo lực đối với phụ nữ, các hậu quả về mặt sức khỏe của bạo lực gia đình, các yếu tố rủi ro, phòng ngừa bạo lực, cách xử trí của phụ nữ khi gặp phải bạo lực gia đình cũng như các dịch vụ trợ giúp mà họ đã sử dụng.

Cuộc điều tra lần 2 thực hiện năm 2019 (do UNFPA hỗ trợ) đã phản ánh một bức tranh toàn diện hơn và cung cấp các số liệu cập nhật về bạo lực đối với phụ nữ qua gần 10 năm, giúp Chính phủ Việt Nam và các đối tác cam kết sẽ tiếp tục giải quyết một cách hiệu quả và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, dựa trên những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây. Cơ quan Thống kê Việt Nam là một trong số ít các cơ quan thống kê trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là một trong những nỗ lực của Thống kê Việt Nam và các bên liên quan được thực hiện nhằm cung cấp kịp thời số liệu, đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, báo cáo, so sánh trong nước và quốc tế về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam.

Các bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện 2 cuộc điều tra trong thời gian qua được cơ quan Thống kê Việt Nam chia sẻ rộng rãi tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Cụ thể, TCTK đã cử cán bộ kỹ thuật tham gia các nhóm kỹ thuật của tổ chức Y tế Thế giới, UNFPA khu vực, nhóm kỹ thuật thống kê giới liên ngành; Đón tiếp đoàn Thống kê Mông cổ sang học tập kinh nghiệm sau cuộc điều tra lần 1; Cử cán bộ sang hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm điều tra tại cơ quan Thống kê Lào, Myanma, Indonesia, nhóm các quốc gia thực hiện điều tra về sức khỏe phụ nữ và kinh nghiệm cuộc sống tại khu vực Thái Bình Dương (Fiji, Tonga…).

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo TCTK, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Dương cảm ơn sự đồng hành chặt chẽ của UNFPA Việt Nam trong thời gian qua và đặc biệt hoạt động này. Hy vọng rằng, UNFPA tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới nhằm thu thập và công bố số liệu về bạo lực giới nói riêng, thống kê giới nói chung được đầy đủ, hoàn thiện hơn.

Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường trình bày tại buổi làm việc

Tại buổi đón tiếp này, hai bên đã thảo luận về các phương pháp và kế hoạch triển khai Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Bangladesh và Việt Nam. Các đại diện của Tổng cục Thống kê đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai Điều tra này qua một số nội dung như: Tổng quan tổ chức Thống kê Việt Nam; Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam 2019 (trong đó, tập trung giới thiệu về điều tra định lượng như: Thử nghiệm và hoàn thiện Bảng câu hỏi, tập huấn điều tra viên, quản lý điều tra thực địa, các vấn đề về an toàn, đạo đức nghiên cứu áp dụng cho điều tra…); giới thiệu việc ứng dụng chương trình nhập liệu và thu thập số liệu từ địa bàn của TCTK./.

Tổng cục Thống kêUNFPAtiêu điểm
Comments (0)
Add Comment