Chiều ngày 17/8/2023, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các vụ liên quan của Cơ quan TCTK đã có buổi tiếp và làm việc với giáo sư Paul Cheung – Nguyên Giám đốc Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, Nguyên Tổng cục trưởng Cơ quan Thống kê quốc gia Xin-ga-po, Giám đốc Học viện Cạnh tranh châu Á, Đại học quốc gia Xin-ga-po.
Tại buổi tiếp, giáo sư Paul Cheung bày tỏ mong muốn được TCTK chia sẻ về các vấn đề như: Công tác điều hành của TCTK với các Cục Thống kê (CTK), cách thức truyền tải dữ liệu từ các CTK đến TCTK; Công tác biên soạn các chỉ tiêu Kinh tế số và khả năng hợp tác với Viện Thống kê Trung Quốc – ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc thông qua Diễn đàn Trung Quốc – ASEAN.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi tiếp giáo sư Paul Cheung
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đã giới thiệu khái quát về mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của TCTK Việt Nam và cho biết hiện TCTK đã và đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và xây dựng, triển khai thực hiện phần mềm quản lý công việc…
Tại buổi tiếp, Chánh Văn phòng TCTK Nguyễn Bình đã trao đổi cụ thể về sử dụng phầm mềm trong quản lý công việc của toàn Ngành. Theo đó, Văn phòng Tổng cục là đơn vị giúp cho Lãnh đạo Tổng cục quản lý điều hành toàn bộ hệ thống từ Trung ương tới các Chi cục Thống kê theo hình thức: Xây dựng các quy chế, quy định và hướng dẫn về phần thể chế; Hàng năm, xây dựng kế hoạch công tác chung cho toàn ngành, sau đó các đơn vị sẽ triển khai tới từng công chức, viên chức trong toàn Ngành; Xây dựng chế độ báo cáo thông tin đối với các Cục và Chi cục Thống kê; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành…
Hiện, TCTK ứng dụng hoàn toàn chuyển đổi số trong quá trình điều hành từ văn bản điện tử và chữ ký số. Giao công việc và đánh giá công việc TCTK có một hệ thống phần mềm để quản lý. Trong hệ sinh thái này, TCTK có phần mềm tiếp nhận kiến nghị của tất cả công chức và người lao động để đóng góp ý kiến giúp công tác quản lý, điều hành hoạt động của TCTK ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn. TCTK cũng đang quản lý, ứng dụng trong toàn ngành các phần mềm về nhân sự, tài chính, tài sản, công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin truyền thông…
Bên cạnh đó, triển khai hội nghị, hội thảo ngoài hình thức trực tiếp, TCTK còn thực hiện bằng hình thức online, với khoảng hơn 300 điểm cầu, chiếm hơn một nửa số đầu cầu tận tới Chi cục các huyện. Vì vậy, trong 3 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid – 19, ngành Thống kê vẫn hoàn thành nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn do Chính phủ và các cấp lãnh đạo giao.
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc
Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Phạm Hoài Nam cũng cung cấp những thông tin liên quan đến công tác điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ của ngành Thống kê; và các dữ liệu về dân cư; dữ liệu về bảo hiểm xã hội; dữ liệu về y tế; dữ liệu về hộ tịch… do các Bộ, ngành tại Việt Nam chủ trì, xây dựng. Theo đó, việc nghiên cứu các dữ liệu của các Bộ, ngành khác để biên soạn các chỉ tiêu thống kê là xu hướng không thể trì hoãn và đã được TCTK Việt Nam xác định rõ. Thực hiện Tổng điều tra dân số giữa kỳ tới đây, TCTK sẽ nghiên cứu tận dụng các cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Y tế. Bên cạnh đó, TCTK sẽ ký quy chế phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Y tế để biên soạn, sử dụng các dữ liệu của các Bộ này, đặc biệt là các dữ liệu về sinh, tử và sức khỏe để bổ trợ cho việc biên soạn các chỉ tiêu về dân số.
Qua chia sẻ của các lãnh đạo vụ chuyên môn của cơ quan TCTK, giáo sư Paul Cheung đánh giá cao và cho rằng đây là khởi đầu tốt để TCTK tận dụng các nguồn dữ liệu bổ sung cho dữ liệu mà TCTK sẽ thu thập trong cuộc Tổng điều tra Dân số giữa kỳ tới đây. Điều quan trọng là chúng ta lựa chọn các cách tiếp cận nào trong tận dụng nguồn dữ liệu khác để bổ trợ cho các dữ liệu điều tra. Hiện đang có hai hướng tiếp cận: Một là, sử dụng những nguồn dữ liệu của các Bộ, ngành khác rồi xây dựng thành cơ sở dữ liệu chung và chia sẻ với nhau. Hai là, tự xây dựng một hệ thống đăng ký thống kê riêng và tự quản lý điều hành để đảm bảo chất lượng của hệ thống đó.
Bên cạnh đó, giáo sư Paul Cheung cũng bảy tỏ ấn tượng trong hoạt động quản lý của ngành Thống kê Việt Nam từ Trung ương tới địa phương, điều này cho thấy TCTK có sự đào tạo bài bản về nhân sự và cán bộ trong việc thống nhất hoạt động cũng như quản lý điều hành của Ngành. Giáo sư Paul Cheung cảm ơn TCTK Việt Nam đã có buổi tiếp đón nồng nhiệt và rất mong muốn đón TCTK Việt Nam đến tham vấn và làm việc với Xin-ga-po trong thời gian tới.