Sáng ngày 6/7/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 và Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì cuộc họp báo. Tham dự cuộc họp báo có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành; đại diện tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; cơ quan truyền thông tại Hà Nội. Buổi họp báo được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại buổi họp báo TCTK đã công bố Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021; Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 và Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo
1. Tình hình lao động việc làm
Theo đó, Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy:
– Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm 2020. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2021 là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2021 là 68,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
– Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước và giảm 137,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động sản xuất tự sản tự tiêu quý II năm 2021 là 4,2 triệu người tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước và 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
– Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2021 đạt 51 triệu người, tăng 737 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,4 triệu người, chiếm 36,1%; lực lượng lao động nữ đạt 23,9 triệu người, chiếm 47% lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2021 là 68,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
– Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 là 49,9 triệu người, tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thiếu việc làm trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 48,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 là 6,2 triệu đồng, tăng 320 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong 6 tháng đầu năm 2021 là gần 3,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và giảm 110 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 90,8%).
Tại Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 cho biết:
– Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. Trong quý II năm 2021, dân số từ 15 tuổi trở lên tham lực lượng lao động tăng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý II năm 2021 giảm so với quý trước; lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, đưa quý II năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
– Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. So với quý trước, lao động việc làm ở khu vực này sụt giảm cả về số lượng và tỷ trọng, số người thiếu việc làm ở khu vực này tăng cao.
– Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước và dao động xung quanh mức 2%.
2. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020
Theo Báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cho biết:
– Thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng).
– Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%.
– Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016).
– Kết quả báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao hơn nhiều ở khu vực thành thị là 1,1%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều có sự khác biệt giữa các vùng. Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2020 là 0,375 thấp hơn GINI giai đoạn 2014-2018 ở mức 0,4 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn cao hơn thành thị. Hai vùng có tỷ lệ nghèo cao là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất, vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ.
Tại buổi họp báo, bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao những báo cáo của TCTK công bố. Theo Bà, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế-xã hội, song thông qua nhiều hình thức, phương pháp khác nhau trong cả các khu vực cách ly và phong tỏa, TCTK đã thành công trong việc thu thập dữ liệu, tổng hợp và có những đánh giá tổng quan về sự thay đổi và tác động của đại dịch tới tình hình lao động việc làm trong cả nước. Dữ liệu tổng hợp thu được cho thấy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã có những ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động của Việt Nam, từ tỷ lệ người có việc, số người tham gia lực lượng lao động có tăng so với năm 2020 song vẫn thấp hơn so với năm 2019; chất lượng công việc của lao động Việt Nam cũng đã giảm đi đáng kể.
Bà Valentina Baccuci phát biểu tại buổi Họp báo
Tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn những diễn biến phức tạp song Việt Nam đã có sự chuyển hướng tích cực trong cách thức tiếp cận và ứng phó với đại dịch, tiến hành khoanh vùng dập dịch tại những nơi có dịch; đồng thời hỗ trợ và tích cực triển khai phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho lao động có việc làm đảm bảo nguồn thu nhập nên về cơ bản lao động Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm đã có những tín hiệu tích cực hơn so với năm 2020.
Họp báo cũng dành thời gian trả lời các câu hỏi của các cơ quan truyền thông về các nội dung liên quan đến những thay đổi trong lao động việc làm của Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2021, những định hướng liên quan tới gói hỗ trợ người lao động yếu thế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình về mức sống dân cư của Việt Nam năm 2020.
Toàn cảnh Họp báo
Khương Duy