Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản là một trong những cuộc Tổng điều tra lớn được Tổng cục Thống kê tổ chức 5 năm 1 lần nhằm mục đích thu thập các thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung, từng địa phương nói riêng. Bước vào cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2016, để triển khai hiệu quả công tác điều tra, thu thập thông tin, Cục Thống kê Đà Nẵng đã xác định những thuận lợi và khó khăn trên địa bàn, đồng thời có những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn đó.
Về những thuận lợi, trước hết phải nói đến sự quan tâm sâu sắc và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND Thành phố, UBND các quận, huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan; sự tham gia đầy trách nhiệm của các đồng chí là thành viên ban chỉ đạo các cấp trong công tác triển khai cuộc Tổng điều tra. Ban chỉ đạo Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó bao gồm các kế hoạch tuyên truyền Tổng điều tra, kế hoạch tập huấn giảng viên cấp huyện, tập huấn nghiệp vụ cho giám sát viên các cấp, tổ trưởng điều tra và điều tra viên.
So với các địa phương khác thì Đà Nẵng là đơn vị có quy mô điều tra tương đối gọn, theo đó Tổng điều tra sẽ thu thập thông tin của hơn 41 nghìn hộ dân cư, 19 trang trại, 11 xã/phường. Với quy mô điều tra như vậy, Đà Nẵng có thuận lợi trong công tác huy động lực lượng tham gia điều tra (điều tra viên, tổ trưởng điều tra) đạt yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có thuận lợi trong công tác phân công lực lượng giám sát viên đứng điểm, kiểm tra, đôn đốc tại các địa bàn điều tra cũng như công tác nghiệm thu chất lượng phiếu điều tra các cấp, giảm được áp lực về thời gian kết thúc và bàn giao phiếu điều tra cho Ban chỉ đạo Trung ương so với các địa bàn có quy mô điều tra lớn hơn.
Qua những ngày đầu tiên triển khai Tổng điều tra trên địa bàn Thành phố, Cục Thống kê Đà Nẵng đã ghi nhận sự nhiệt tình, hăng say và đầy trách nhiệm của các điều tra viên trong công tác xuống thực địa điều tra. Đặc biệt, công tác tuyên truyền rộng rãi của Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các điều tra viên tiếp cận hộ dân để thu thập thông tin một cách dễ dàng, đầy đủ và chính xác.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Thành phố Đà Nẵng cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Do đặc điểm của dân cư nông thôn trên địa bàn Thành phố là bán thành thị, hộ dân cư thuộc đối tượng điều tra đa phần không phải là hộ thuần nông (các thành viên hộ làm nhiều ngành nghề, chẳng hạn vừa làm nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại,…). Do đó, các điều tra viên gặp phải nhiều khó khăn trong việc thu thập đầy đủ thông tin về các nguồn thu nhập của hộ.
Đối với các hộ tham gia khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, thời gian ra khơi dài ngày (có hộ ra khơi từ 1 đến 2 tháng mới vào bờ) trùng với thời gian điều tra từ ngày 1 đến ngày 30/7/2016, do đó điều tra viên phụ trách các địa bàn điều tra này sẽ gặp khó khăn trong công tác thu thập thông tin của các hộ đó.
Đối với các hộ trang trại, số lượng trang trại trên địa bàn Thành phố là không nhiều, chủ yếu tập trung tại huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, chủ trang trại phần lớn có nơi thường trú ở địa phương khác nên điều tra viên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiếp cận chủ trang trại để thu thập thông tin. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành điều tra.
Với những khó khăn mang tính chất đặc thù nêu trên, Ban chỉ đạo Tổng điều tra Thành phố Đà Nẵng đã có một số giải pháp để khắc phục tình hình. Cụ thể, công tác tuyên truyền về Tổng điều tra đã được tăng cường tại các địa phương để mọi hộ dân thuộc đối tượng điều tra nắm được nội dung và thời gian điều tra, từ đó có kế hoạch sắp xếp thời gian trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, đối với các hộ đánh bắt thủy sản xa bờ, các điều tra viên phụ trách có kế hoạch liên hệ với hộ trước khi đến hộ. Nếu hộ có kế hoạch ra khơi trong suốt thời gian điều tra thì điều tra viên có kế hoạch thu thập trước một số thông tin mà chỉ có người trực tiếp đánh bắt mới có thể cung cấp chính xác, sau đó các thông tin khác có thể hỏi các thành viên khác trong hộ.
Cuối cùng, đối với các hộ trang trại, căn cứ vào bảng kê trang trại đã được lập tại thời điểm tháng 4/2016, đề nghị UBND các xã liên lạc hẹn lịch trước để chủ trang trại (hoặc người quản lý) sắp xếp có mặt tại trang trại để cung cấp thông tin theo yêu cầu của cuộc Tổng điều tra.
Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của TCTK, của UBND thành phố và sự ủng hộ của toàn dân, Đà Nẵng sẽ hoàn thành tốt cuộc Tổng điều tra.
Dưới đây là một số hình ảnh về việc triển khai công tác Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2016 trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng:
Tuyên truyền cuộc Tổng điều tra trên địa bàn TP Đà Nẵng
Lế ra quân tại Thành phố Đà Nẵng
Điều tra tại địa bàn Thôn Hưởng Phước, Xã Hòa Phong, Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng
Tán Hải – Đậu Trang