Câu hỏi: (PV Thu Hiền (Thực hiện) Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ nào để giúp DN và người dân vượt qua khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ? (Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/ts-nguyen-bich-lam-nguyen-tong-cuc-truong-tong-cuc-thong-ke-goi-ho-tro-lan-thu-hai-can-co-quy-mo-tac-dong-du-lon-va-mang-tinh-dai-han-133235.html)
Trả lời:
TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
– Đại dịch Covid-19 sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ phải có cách nhìn mới, có chính sách kịp thời và phù hợp để duy trì và phát triển kinh tế. Chính phủ nhiều nước đã thực hiện các gói hỗ trợ qua hai xu hướng, một là, trực tiếp hỗ trợ cứu DN qua đó cứu người lao động; hai là trực tiếp hỗ trợ cứu người lao động, còn DN sẽ theo cơ chế thị trường quyết định. Các nước châu Âu tiếp cận theo xu hướng thứ nhất. Chẳng hạn, Pháp tập trung cứu DN để khỏi phá sản, từ đó cứu lực lượng lao động. Chính phủ Pháp đưa ra gói tài chính hỗ trợ DN lên tới 345 tỷ Euro (tương đương 380 tỷ USD), bằng 15% GDP của Pháp qua hình thức cấp tiền hay khoản vay ưu đãi. Trong khi đó, Mỹ áp dụng xu hướng thứ hai.
Việt Nam cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ gồm gói chính sách tiền tệ trị giá 250 nghìn tỷ đồng, gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng, gói chính sách tài khóa trị giá 180 nghìn tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ DN và một bộ phận người lao động. Chúng ta đã rất thành công trong phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19, tuy nhiên thực hiện các gói hỗ trợ còn khiêm tốn. Đến thời điểm 13/7/2020, gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội mới giải ngân đạt 18,2%, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Cũng đến thời điểm trên, cơ quan thuế tiếp nhận khoảng 113,8 nghìn giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của DN, chiếm 15% tổng số DN đang hoạt động của nền kinh tế; tiếp nhận 49,3 nghìn giấy đề nghị gia hạn của hộ sản xuất kinh doanh, chiếm 0,98% tổng số hộ sản xuất kinh doanh trong cả nước. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 47,56 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% gói chính sách tài khoá. Trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát lại, sửa đổi một số quy định không phù hợp, bổ sung thêm đối tượng để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, rành mạch và phải có tính thực tế.