(HQ Online) – “Chính phủ cần khẩn trương có chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời vì chính sách được thực hiện muộn vẫn là chính sách nhưng không còn tác dụng”. Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Bích Lâm (ảnh), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai để giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ nào để giúp DN và người dân vượt qua khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ?
– Đại dịch Covid-19 sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ phải có cách nhìn mới, có chính sách kịp thời và phù hợp để duy trì và phát triển kinh tế. Chính phủ nhiều nước đã thực hiện các gói hỗ trợ qua hai xu hướng, một là, trực tiếp hỗ trợ cứu DN qua đó cứu người lao động; hai là trực tiếp hỗ trợ cứu người lao động, còn DN sẽ theo cơ chế thị trường quyết định. Các nước châu Âu tiếp cận theo xu hướng thứ nhất. Chẳng hạn, Pháp tập trung cứu DN để khỏi phá sản, từ đó cứu lực lượng lao động. Chính phủ Pháp đưa ra gói tài chính hỗ trợ DN lên tới 345 tỷ Euro (tương đương 380 tỷ USD), bằng 15% GDP của Pháp qua hình thức cấp tiền hay khoản vay ưu đãi. Trong khi đó, Mỹ áp dụng xu hướng thứ hai.
Việt Nam cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ gồm gói chính sách tiền tệ trị giá 250 nghìn tỷ đồng, gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng, gói chính sách tài khóa trị giá 180 nghìn tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ DN và một bộ phận người lao động. Chúng ta đã rất thành công trong phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19, tuy nhiên thực hiện các gói hỗ trợ còn khiêm tốn. Đến thời điểm 13/7/2020, gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội mới giải ngân đạt 18,2%, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Cũng đến thời điểm trên, cơ quan thuế tiếp nhận khoảng 113,8 nghìn giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của DN, chiếm 15% tổng số DN đang hoạt động của nền kinh tế; tiếp nhận 49,3 nghìn giấy đề nghị gia hạn của hộ sản xuất kinh doanh, chiếm 0,98% tổng số hộ sản xuất kinh doanh trong cả nước. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 47,56 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% gói chính sách tài khoá. Trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát lại, sửa đổi một số quy định không phù hợp, bổ sung thêm đối tượng để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, rành mạch và phải có tính thực tế.
Quan điểm của ông về gói trợ hỗ trợ lần hai cho nền kinh tế? Việc xây dựng gói hỗ trợ này cần đảm bảo những mục tiêu gì, thưa ông?
– Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ hai xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn như: Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Brazil.. trong tháng 6, 7/2020 gây nên các tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, tạo ra cú sốc tiêu cực cho cả bên cung và bên cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có thị trường tiêu thụ trong nước với trên 96 triệu dân, tuy nhiên hiện nay nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn trong giai đoạn phong toả nên tăng trưởng kinh tế nước ta trong những năm tới cơ bản dựa vào nội lực trong nước để thúc đẩy đầu tư và kích thích tiêu dùng; đồng thời, linh hoạt thúc đẩy thương mại quốc tế.
Để nền kinh tế duy trì ổn định và tăng trưởng cao trong giai đoạn hậu Covid-19, Chính phủ cần có gói hỗ trợ tiếp theo (gói hỗ trợ thứ hai) thông qua các chính sách phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng 4 mục tiêu. Cụ thể là đảm bảo ổn định kinh tế – xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực DN nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của dịch Covid-19 suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Khu vực DN Việt Nam đóng góp trên 60% GDP của nền kinh tế với trên 756 nghìn DN đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 96% tổng số DN của cả nước. Theo số liệu điều tra, khu vực DNNVV có vị thế thanh khoản yếu ngay cả trước đại dịch; khả năng trả nợ của khu vực DN tương đối yếu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ cao, trong khi đó khu vực ngân hàng đứng trước khả năng rủi ro nợ khá lớn. Với tác động của đại dịch sẽ làm giảm khả năng sinh lời của khu vực DN, tạo áp lực thanh khoản nghiêm trọng, khả năng trả nợ của khu vực DN yếu đi, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ. Với tầm quan trọng trong nền kinh tế và các đặc điểm của khu vực DN, gói hỗ trợ lần thứ hai cần tập trung đặc biệt vào khu vực DN để thực hiện, đồng thời hỗ trợ DN duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế.
Ông có đề xuất gì để khu vực DN có thể tiếp nhận hiệu quả gói hỗ trợ lần thứ hai?
– Theo tôi, trước mắt cần rà soát các điều kiện để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng. Thực tế trong thời gian qua, với gói hỗ trợ trị giá 250 nghìn tỷ đồng, nhưng với điều kiện hỗ trợ chưa phù hợp, phức tạp, thiếu khả thi và chưa sát thực tế với khu vực doanh nghiệp, nên chỉ có khoảng 20% số DN đáp ứng được yêu cầu của gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho DN, đồng thời, xem xét cắt giảm giá điện cho khu vực DN, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN và các hộ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cần ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; có giải pháp hỗ trợ vốn cho DNNVV thông qua Quỹ Phát triển DNNVV để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành và khẩn trương thực hiện chính sách kinh tế mới để lôi kéo DN tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế… Về phía các DN, cần chú trọng đào tạo lực lượng lao động, đặc biệt đội ngũ lao động trẻ hiện nay chiếm 28,5% lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ DN đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch Covid-19 tạo ra.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và khác biệt do đại dịch Covid-19, với thực tế kinh tế nước ta có độ mở lớn, Chính phủ cần khẩn trương có chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thái Học (St)