UNECE ban hành hướng dẫn đo lường nền kinh tế tuần hoàn

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn hơn đang ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững, loại bỏ cacbon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và khả năng cạnh tranh. Ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các chính sách liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và thiết lập vòng đời tuần hoàn của vật liệu.

Ví dụ, trong hai thập kỷ qua, nhiều quốc gia và Liên minh châu Âu đã định hướng các chính sách quản lý chất thải và vật liệu theo hướng tiếp cận phòng ngừa và tích hợp, nhấn mạnh đến vòng đời và chuỗi cung ứng vật liệu và sản phẩm.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thiếu hiểu biết chung về cách đo lường nền kinh tế tuần hoàn gây ra thách thức cho việc theo dõi tiến độ và hoạch định các chính sách. Để giải quyết vấn đề này, các hướng dẫn mới do UNECE và OECD cùng soạn thảo sẽ hỗ trợ phát triển các số liệu thống kê có thể so sánh quốc tế về nền kinh tế tuần hoàn bằng cách đưa ra một định nghĩa chung và làm rõ những gì cần đo lường.

Để thống kê có tác động mạnh mẽ, định nghĩa này cần được chấp nhận không chỉ bởi cộng đồng thống kê quốc tế mà còn bởi các nhà hoạch định chính sách. Để đạt được mục tiêu này, UNECE và OECD đã hợp tác thông qua lực lượng đặc nhiệm của UNECE về đo lường nền kinh tế tuần hoàn và nhóm chuyên gia của OECD để tạo ra một thế hệ thông tin mới cho một nền kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, tập hợp các số liệu thống kê và quan điểm chính sách.

Hướng dẫn của các nhà thống kê châu Âu về đo lường nền kinh tế tuần hoàn là một cột mốc quan trọng trong việc tìm kiếm sự đồng thuận về khái niệm của nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế trong đó:

  • giá trị của vật chất trong nền kinh tế được tối đa hóa và duy trì lâu nhất có thể;
  • đầu vào nguyên liệu và mức tiêu thụ của chúng được giảm thiểu;
  • ngăn chặn việc tạo ra chất thải và giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong suốt vòng đời của vật liệu.

Dựa trên định nghĩa này, hướng dẫn đề xuất một khung với các khái niệm, thuật ngữ và định nghĩa được sử dụng trong các khung thống kê đã được thiết lập khác, chẳng hạn như Hệ thống kế toán kinh tế-môi trường.

Hướng dẫn đề xuất 19 chỉ tiêu thống kê cốt lõi để đo lường nền kinh tế tuần hoàn, sẽ được hoàn thiện hơn nữa thông qua thử nghiệm thí điểm của các quốc gia tình nguyện.

Hướng dẫn đo lường nền kinh tế tuần hoàn, có sự đóng góp của các chuyên gia trong nước từ 10 quốc gia (Áo, Bỉ, Canada, Colombia, Đan Mạch, Phần Lan, Ấn Độ, Ý, Hà Lan và Thụy Điển) và 10 tổ chức quốc tế (Eurostat, FAO, IMF, OECD, PACE, UNECE, UNSD, UNITAR, Viện Tài nguyên thế giới, UNEP). Thống kê Phần Lan chủ trì lực lượng đặc nhiệm UNECE về đo lường nền kinh tế tuần hoàn. Lực lượng đặc nhiệm sẽ tiếp tục công việc về chủ đề này và nhằm mục đích cung cấp hướng dẫn thực tế cho việc xây dựng và sử dụng các chỉ tiêu cốt lõi cũng như thiết lập sự hợp tác thể chế cần thiết.

Nguyễn Mai (dịch)

Nguồn: https://unece.org/media/Statistics/press/389204

UNECEUNSDIMFEurostatOECDFAOtiêu điểm
Comments (0)
Add Comment