Câu hỏi: (PV Đặng Hương-Báo VnEconomy.vn) Vậy có thể nói là việc thu thập thông tin trong những lần trước có hạn chế, thưa ông?
Trả lời: (Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Không chỉ cơ quan thống kê Việt Nam mà cơ quan thống kê các nước trên thế giới đều thực hiện điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm bởi nguồn kinh phí thực hiện tổng điều tra là quá lớn.
Theo đó, trong tổng số 560.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong nền kinh tế, Tổng cục Thống kê sẽ phân theo từng ngành, từng quy mô doanh nghiệp (doanh thu từ thấp tới cao) để tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên để suy rộng ra từng ngành kinh tế.
Chẳng hạn, giả sử 35.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm được xếp theo độ dốc doanh thu như vậy, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành lựa chọn những doanh nghiệp có tổng số doanh thu chiếm trên 75% doanh thu toàn ngành (mức doanh thu đủ bao quát ngành đó).
Giả sử có khoảng 3.000/35.000 doanh nghiệp chiếm trên 75% doanh thu của toàn ngành thì Tổng cục Thống kê chọn mẫu chỉ điều tra 3.000 doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp không được điều tra sẽ được suy rộng ra theo xu hướng sản xuất của những doanh nghiệp kia. Đây là cách làm mà Tổng cục Thống kê làm theo quy định của quốc tế và được quốc tế ghi nhận.
Nhưng điều tra chọn mẫu có bất cập là không phản ánh được chính xác quy mô của nền kinh tế. Có 3 nguyên nhân dẫn tới điều này.
Thứ nhất, ngành thống kê không cập nhật được đầy đủ số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động. Thứ hai, doanh nghiệp được điều tra cung cấp thông tin không đúng với tình hình thực tế. Thứ ba, điều tra viên thống kê chưa làm hết nhiệm vụ nên chưa có số liệu chính xác.