Câu hỏi: (PV Thúy Hiền – TTXVN) Việc giá điện tăng 8,36% vừa qua của Bộ Công Thương cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất. Vậy, ngành Thống kê có đề xuất gì để kiềm chế được lạm phát thời gian tới?
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
Ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng 8,36% so với mức hiện hành. Với mức tăng này làm chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 0,17%, làm CPI tăng khoảng 0,29% và làm GDP giảm khoảng 0,22%.
Để hạn chế thấp nhất tác động của tăng giá điện, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất hướng tới cắt giảm chi phí tiêu hao năng lượng, đặc biệt sử dụng điện; nghiên cứu tránh tập trung sản xuất vào giờ cao điểm, đầu tư thay thế thiết bị chiếu sáng tiêu hao ít năng lượng. Các doanh nghiệp cũng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, đầu tư nguồn điện mặt trời áp mái nhằm hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp một cách bền vững đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí về điện.
Điện là mặt hàng chiến lược, sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động rất mạnh đến lạm phát của nền kinh tế. Để giữ lạm phát năm 2019 dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, hàng tháng Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong khuôn khổ Ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia xây dựng và cập nhật kịp thời kịch bản điều hành giá đáp ứng mục tiêu của Quốc hội. Việc tăng 8,36% giá điện đã được tính toán trong kịch bản điều hành giá, kiểm soát lạm phát.