Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2024

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%. Về sử dụng GDP quý III/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.

GDP chín tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng năm 2024 tăng 3,20%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024[1]. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,73%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chín tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước[2], đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%[3], đóng góp 2,44 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm.

Các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng năm 2024 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước[4]. Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,78 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế chín tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,80%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).

Về sử dụng GDP chín tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

– Lúa hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu của cả nước năm nay ước đạt 1.909,2 nghìn ha, giảm 3,6 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2023, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 1.469,8 nghìn ha, giảm 4,6 nghìn ha. Tính đến ngày 20/9/2024 cả nước thu hoạch được 1.800,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 94,3% diện tích gieo cấy và bằng 100,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.363,2 nghìn ha, chiếm 92,7% và bằng 100,5%. Năng suất lúa vụ hè thu năm nay ước đạt 58,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt 11,1 triệu tấn, tăng 77,6 nghìn tấn, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long năng suất lúa hè thu ước đạt 58,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 8,55 triệu tấn, tăng 27,1 nghìn tấn.

– Lúa mùa: Tính đến 20/9/2024, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.464,9 nghìn ha, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 996,6 nghìn ha, bằng 99,1%, các địa phương phía Nam đạt 468,3 nghìn ha, bằng 100,5%.

– Lúa thu đông: Tính đến ngày 20/9/2024 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ được 626,0 nghìn ha lúa thu đông, tăng 2,9% so với cùng kỳ
năm 2023.

– Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng một số loại cây như ngô, đậu tương, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả kinh tế không cao nên nông dân thu hẹp sản xuất.

– Cây lâu năm: Sản xuất cây lâu năm quý III/2024 bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nhưng tính chung chín tháng năm 2024 vẫn đạt khá; diện tích cây ăn quả được trồng mới từ những năm trước nay đã vào kỳ thu hoạch; sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá ổn định, người nông dân có lợi nhuận, yên tâm sản xuất. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.795,6 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023.

– Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong chín tháng năm 2024 có xu hướng giảm; chăn nuôi gia cầm duy trì tăng trưởng ổn định, dịch bệnh được kiểm soát.

b) Lâm nghiệp

Trong quý III/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 70,8 nghìn ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 174,7 ha, giảm 58,7%. Tính chung chín tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 200,0 nghìn ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 71,3 triệu cây, tăng 3,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 16.068,9 nghìn m3, tăng 7,0%; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.445,7 ha, giảm 9,3%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý III/2024 ước đạt 2.638,4 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4.044,8 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.974,3 nghìn tấn, tăng 0,7%; sản lượng thủy sản khác đạt 545,5 nghìn tấn, tăng 0,8%.

3. Sản xuất công nghiệp

– Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chín tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

– Chỉ số sản xuất công nghiệp chín tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

– Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%).

– Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân chín tháng năm 2024 là 76,8% (bình quân chín tháng năm 2023 là 85,3%).

– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,2% so với cùng thời điểm năm trước.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[5]

– Trong tháng Chín, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 16,3% so với tháng trước và giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước; gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% và tăng 11,6%; 4.233 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,6% và tăng 2,6%; 7.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 43,6% và tăng 40,5%; có 1.605 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7% và tăng 26,8%.

Tính chung chín tháng năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II/2024; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2024; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

 5. Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng Chín ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6% và lưu trú, ăn uống tăng 7,9%. Trong quý III/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.591,0 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).

Vận tải hành khách tháng 9/2024 ước đạt 435,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 23,5 tỷ lượt khách.km, tăng 18,0%; quý III/2024 ước đạt 1.301,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 70,9 tỷ lượt khách.km, tăng 12,6%. Tính chung chín tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 3.660,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 204,6 tỷ lượt khách.km, tăng 12,2%.

Vận tải hàng hóa tháng 9/2024 ước đạt 218,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 44,9 tỷ tấn.km, tăng 7,3%; quý III/2024 ước đạt 659,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 136,5 tỷ tấn.km, tăng 9,3%. Tính chung chín tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 1.917,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 393,4 tỷ tấn.km, tăng 10,5%.

­­­­Doanh thu hoạt động viễn thông quý III/2024 ước đạt 87,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, d­­oanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 265,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,9%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2024 đạt gần 1,3 triệu lượt người, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 9/2024 là 421,8 nghìn lượt người, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 4,1 triệu lượt người, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

– Tính đến thời điểm 27/9/2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,10% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 5,40%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,24%).

– Về thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2024 ước đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung chín tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4%.

– Về thị trường chứng khoán: Tính chung chín tháng năm 2024, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.655 tỷ đồng/phiên, tăng 28,9% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.807 tỷ đồng/phiên, tăng 65,9%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 215,7 nghìn hợp đồng/phiên, giảm 8,3%.

7. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2024 theo giá hiện hành ước đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam chín tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong chín tháng năm 2024 có 105 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 177,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước; có 20 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 12,0 triệu USD, giảm 93,0%. Tính chung chín tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 189,6 triệu USD, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước.      

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước[6]

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 9/2024 ước đạt 94,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước chín tháng năm 2024 ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 9/2024 ước đạt 153,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế chín tháng năm 2024 ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ[7]

a) Xuất nhập khẩu hàng hóa[8]

– Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 10,7%so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024. Tính chung chín tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chín tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 263,47 tỷ USD, chiếm 87,9%.

– Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2024, kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với quý II/2024. Tính chung chín tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu chín tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 261,5 tỷ USD, chiếm 93,8%.

– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa chín tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD.

– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Chín sơ bộ xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung chín tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,2% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,8% so với quý trước.

Tính chung chín tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,8 tỷ USD (chiếm 50,6% tổng kim ngạch), tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 28,1%), tăng 7,9%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ chín tháng năm 2024 ước đạt 26,6 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 8,8 tỷ USD), tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 10,7 tỷ USD (chiếm 40,2% tổng kim ngạch), tăng 17,7%; dịch vụ du lịch đạt 9,3 tỷ USD (chiếm 34,7%), tăng 68%.

Nhập siêu dịch vụ chín tháng năm 2024 là 9,2 tỷ USD.

10. Chỉ số giá

a) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Chín tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung chín tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

– Chỉ số giá vàng tháng 9/2024 tăng 1,88% so với tháng trước; tăng 22,66% so với tháng 12/2023; tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân chín tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27%.

– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2024 giảm 1,79% so với tháng trước; tăng 1,7% so với tháng 12/2023; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân chín tháng năm 2024 tăng 5,46%.

b) Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu quý III và chín tháng năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới. Tính chung chín tháng năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,67%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 6,6%; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,65%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 1,44%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,73%.

11. Một số tình hình xã hội

a) Lao động và việc làm

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2024 ước tính là 52,7 triệu người, tăng 114,1 nghìn người so với quý trước và tăng 238,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm.

Lao động có việc làm quý III/2024 ước tính là 51,6 triệu người, tăng 114,6 nghìn người so với quý trước và tăng 244,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 1,87%, cùng giảm 0,19 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,28%, giảm 0,32 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,46%, tăng 0,18 điểm phần trăm.

Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 176 nghìn đồng so với quý trước và tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung chín tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 2,24%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chín tháng năm 2024 là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,55%; khu vực nông thôn là 2,07%.

b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong quý III năm 2024, tình hình đời sống dân cư vẫn được duy trì ổn định, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập các tháng của quý III tăng lên là 33,1% (tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 5,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, trong chín tháng năm nay (tính đến ngày 25/9/2024), lãnh đạo trung ương và địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 19,6 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 26,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là 1,84 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,6 triệu thẻ BHYT, sổ, thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong tháng Chín, tính đến ngày 25/9/2024, Chính phủ đã có các quyết định cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão số 3. Trong chín tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,8 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu và 432,6 tấn gạo cho gần 28,9 nghìn nhân khẩu chịu ảnh hưởng do thiên tai.

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong quý III diễn ra các hoạt động văn hóa kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024) lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đã tổ chức dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tại các địa phương đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi về văn hóa chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

d) Tai nạn giao thông

Trong tháng Chín (từ 26/8/2024 25/9/2024), cả nước đã xảy ra 1.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 906 người và bị thương 1.252 người. Tính chung 9 tháng năm 2024 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17.629 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.045 người, bị thương 13.167 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 7,2%; số người chết giảm 9,7%; số người bị thương tăng 17,4%. Bình quân một ngày trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra hơn 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người, bị thương 48 người.

đ) Thiệt hại do thiên tai

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Chín chủ yếu do ảnh hưởng mưa lũ và bão. Theo báo cáo tổng hợp đến ngày 30/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn siêu bão số 3 làm 345 người chết, mất tích; 1.978 người bị thương; 4.713 nhà sập đổ; 401.275 nhà bị hư hại, ngập nước; khoảng 286,6 nghìn ha lúa, hơn 63,3 nghìn ha hoa màu bị hư hại; 44,5 nghìn con gia súc, hơn 5,76 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ước tính giá trị thiệt hại lên tới 81,8 nghìn tỷ đồng.

Tính chung chín tháng năm nay, thiên tai làm 510 người chết, mất tích và 2.091 người bị thương; 6.368 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 255,8 nghìn ngôi nhà bị hư hại; 4,8 triệu con gia súc và gia cầm bị chết; khoảng 305,4 nghìn ha lúa và 89,1 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 76,2 nghìn tỷ đồng, gấp 29,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong tháng Chín, theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các Cục Thống kê tổng hợp, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.530 vụ vi phạm môi trường. Tính chung chín tháng năm nay đã phát hiện 17.342 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 15.852vụ với tổng số tiền phạt là 224,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng[9], cả nước xảy ra 336 vụ cháy, nổ, làm 5 người chết và 6 người bị thương, thiệt hại ước tính 67,7 tỷ đồng, gấp 6,4 lần tháng trước và gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.193 vụ cháy, nổ, làm 85 người chết và 87 người bị thương, thiệt hại ước tính 217,4 tỷ đồng, giảm 39,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế chín tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,82%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.

[1] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm chín tháng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2024 lần lượt là: 1,90%; 3,84%; 3,66%; 3,71% và 3,20%.

[2] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chín tháng các năm 2011-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 8,79%; 7,92%; 4,62%; 5,51%; 8,93%; 7,07%; 6,92%; 8,90%; 8,64%; 2,30%; 3,06%; 9,12%; 1,59% và 8,34%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chín tháng các năm 2011-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 12,06%; 8,10%; 5,91%; 6,21%; 8,78%; 10,49%; 10,76%; 11,51%; 9,91%; 3,20%; 4,36%; 9,99%; 1,94% và 9,76%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng các năm 2011-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 7,42%; 6,80%; 6,59%; 7,21%; 6,97%; 7,30%; 6,97%; 7,25%; 7,52%; 1,87%; 0,27%; 10,77%, 6,64% và 6,95%.

[5] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 03/10/2024. Thực hiện Nghị định số 62/2024/NĐ-CP ngày 07/6/2024 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024), thời kỳ số liệu về đăng ký doanh nghiệp trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo. Riêng đối với các chỉ tiêu thời điểm (doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể), thời kỳ số liệu các tháng trước thời điểm 01/8/2024 được tính từ ngày 21 của tháng trước tháng báo cáo đến ngày 20 của tháng báo cáo.

[6] Theo Báo cáo số 245/BC-BTC ngày 27/9/2024 của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 9 và 9 tháng năm 2024.

[7] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu).

[8] Tổng kim ngạch và giá trị mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 9/2024 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 4/10/2024.

[9] Theo báo cáo nhanh từ Bộ Công an ngày 23/6/2024.

Nguồn TCTK