Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023

1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

 Lúa đông xuân: Vụ lúa đông xuân năm 2023 cả nước gieo cấy được 2.952,1 nghìn ha, bằng 98,7% vụ đông xuân năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.067,3 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.884,8 nghìn ha, bằng 98,5%. Ở phía Bắc, năng suất gieo trồng ước đạt 64 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 128,2 nghìn tấn. Ở phía Nam, năng suất lúa ước đạt 70,7 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 13,3 triệu tấn, tăng 56,5 nghìn tấn.

– Lúa hè thu: Tính đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam đã gieo trồng được 1.126,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 97,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.035,6 nghìn ha, bằng 97,4%.

– Cây hàng năm: Tính đến trung tuần tháng 5/2023, cả nước gieo trồng được 417,3 nghìn ha ngô, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm trước; 110 nghìn ha lạc, bằng 94,8%; 49,3 nghìn ha khoai lang, bằng 94,2%; 12,6 nghìn ha đậu tương, bằng 92,8%; 637,3 nghìn ha rau các loại, bằng 108%.

– Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng ổn định. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 1,2%; tổng số trâu giảm 2%; tổng số gia cầm tăng 1,3%.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp ổn định, các địa phương tiếp tục trồng rừng mới tập trung theo kế hoạch. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 97,9 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 41,7 triệu cây, tăng 5,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 6.583,2 nghìn m3, tăng 3,3%; diện tích rừng bị thiệt hại là 886,7 ha, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 444,5 ha, giảm 1,4%; diện tích rừng bị cháy là 422,2 ha, gấp 11,7 lần.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 5/2023 ước đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 421 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 362,3 nghìn tấn, tăng 1,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 3.420,3 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.509 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 385,8 nghìn tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 525,5 nghìn tấn, tăng 0,8%.

2. Sản xuất công nghiệp

– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước  và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5%, làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

– Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước.

– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[1]

– Trong tháng Năm, cả nước có hơn 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 24,2% so với tháng trước và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,1% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% và tăng 8,1%; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% và tăng 12,7%; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% và giảm 8,7%.

– Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4. Đầu tư

– Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Năm ước đạt 45,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).

– Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

– Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2023 có 47 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 142,7 triệu USD, giảm 51,4% so với cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 316,4 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây (tuy nhiên nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 8,3% – mới chỉ bằng tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018) và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,8%).

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

– Xuất khẩu hàng hóa

+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 120,24 tỷ USD, chiếm 88,3%.

– Nhập khẩu hàng hóa

+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 118,31 tỷ USD, chiếm 93,6%.

– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.

– Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,56 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).

– Chỉ số giá vàng tháng 5/2023 tăng 1,02% so với tháng trước; tăng 3,97% so với tháng 12/2022; tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 0,62%.

– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2023 giảm 0,11% so với tháng trước; giảm 2,37% so với tháng 12/2022; tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 2,91%.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tháng 5/2023 ước đạt 377,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 1,4% so với tháng trước và luân chuyển 20,1 tỷ lượt khách.km, tăng 3,2%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 1.855,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 99,5 tỷ lượt khách.km, tăng 41,9%.

Vận tải hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 192,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2% so với tháng trước và luân chuyển 39,7 tỷ tấn.km, tăng 2,2%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 930,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 194,6 tỷ tấn.km, tăng 17,9%.

đ) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 ước đạt 916,3 nghìn lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước và gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

7. Một số tình hình xã hội

– Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng Năm tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu, trong đó: Hỗ trợ gạo cho người dân dịp Tết Nguyên đán là 16,9 nghìn tấn gạo; hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 hơn 1,3 nghìn tấn gạo.

– Trong tháng Năm (20/4-21/5) cả nước có 64,5 nghìn trường hợp mắc Covid-19. Kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/01/2020 đến ngày 27/5/2023, Việt Nam có hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, trong đó 10,6 triệu trường hợp đã được chữa khỏi và 43,2 nghìn trường hợp tử vong.

– Trong tháng Năm (từ 15/4-14/5/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 832 vụ tai nạn giao thông. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.991 vụ tai nạn giao thông. Bình quân 1 ngày trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, gồm 19 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 7 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 8 người bị thương nhẹ.

– Thiệt hại do thiên tai trong tháng Năm chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, thiên tai làm 14 người chết, 19 người bị thương; hơn 8,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; gần 6,4 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 26,1 nghìn ha lúa và 4,6 nghìn hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 380,6 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2022.

– Trong tháng 5/2023, theo báo cáo từ các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.594 vụ vi phạm môi trường. Tính chung 5 tháng đầu năm nay đã phát hiện 8.350 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 7.251 vụ với tổng số tiền phạt là 119 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

– Trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 716 vụ cháy, nổ, làm 37 người chết và 39 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 67 tỷ đồng, giảm 40,5% so với cùng kỳ năm trước./.

[1] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 25/5/2023.