Cơ quan thống kê có thể thẩm định số liệu của Bộ, ngành

Đây là một trong những điểm mới, quy định về vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thống kê trong dự án Luật Thống kê (sửa đổi), vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước UBTVQH chiều 11/3.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Luật Thống kê hiện hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, hoàn thiện hệ thống tổ chức thống kê nhà nước và hệ thống chỉ tiêu thống kê cung cấp kịp thời số liệu thông tin đến cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, công tác thống kê hiện nay vẫn còn một số bất cập, như chất lượng, độ tin cậy của số liệu chưa cao, có sự chênh lệch số liệu thống kê công bố của Cơ quan thống kê Trung ương với số liệu thống kê Bộ, ngành và địa phương; công tác phân tích, dự báo thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu; việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nguồn dữ liệu thông tin sẵn có còn hạn chế; chưa có các quy định về hội nhập quốc tế đối với công tác thống kê.

Để nâng cao chất lượng thống kê thì việc sửa đổi Luật Thống kê hiện hành là cần thiết. Theo ông Bùi Quang Vinh, dự án Luật bổ sung quy định về thẩm định các số liệu thống kê, trong trường hợp số liệu thống kê không có sự thống nhất giữa cơ quan thống kê Trung ương và các Bộ, ngành thì cơ quan thống kê sẽ tự công bố con số thống kê và chịu trách nhiệm. Dự án Luật cũng quy định rõ cơ chế, trách nhiệm công bố, công khai số liệu thống kê của cơ quan thống kê.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng tình với quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành trước khi ban hành, điều chỉnh, bổ sung phải được Cơ quan thống kê Trung ương thẩm định nhằm khắc phục chênh lệch số liệu với Cơ quan thống kê Trung ương.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể thời hạn tiếp thu, chỉnh lý, giải trình hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành trên cơ sở ý kiến thẩm định của Cơ quan thống kê Trung ương; trách nhiệm thẩm định của Cơ quan thống kê Trung ương; nghĩa vụ giải trình của các Cơ quan thống kê Bộ, ngành và địa phương khi công bố thông tin; quy định đầy đủ, chặt chẽ hồ sơ, nội dung thẩm định, điều kiện đối với việc điều chỉnh hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành.

Giải trình thêm về tình trạng chênh lệch số liệu trong thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đây là vấn đề lớn nhất, bức xúc nhất. Để hạn chế, dự án Luật đã làm rõ những hệ thống chỉ tiêu, số liệu mà Tổng cục thống kê và các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm. “Lần đầu tiên dự luật quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo một chuẩn mực. Ví dụ số liệu GDP Trung ương sẽ do cơ quan thống kê Trung ương tính, GDP địa phương sẽ được tính toán và kiểm soát theo chuẩn, tránh việc thống kê trùng lặp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu phương án “đặt” cơ quan thống kê độc lập với Chính phủ để đảm bảo tính trung thực, chính xác của con số thống kê.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng trước đây đã có nhiều lần tách, nhập cơ quan thống kê với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở các nước khác, phần lớn cơ quan thống kê đều thuộc bộ kinh tế, một số nước thuộc Chính phủ và chỉ có Mông Cổ đặt cơ quan thống kê thuộc Quốc hội.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng ý với quy định cơ quan thống kê nên thuộc Chính phủ. Với ý kiến này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cơ quan thống kê thuộc Chính phủ hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không khác gì nhau, bởi Chính phủ cũng là nơi hoạch định kinh tế – xã hội trên cơ sở các số liệu thống kê được cung cấp, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan này “thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tốt nhất”, theo Bộ trưởng Vinh.

Dự án này sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến diễn ra vào giữa năm nay.

MH (ST)

(Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/)