Có ý kiến cho rằng, cách tính GDP của Việt Nam đã lạc hậu, tính không đủ, còn bỏ sót

Câu hỏi :

(Nhà báo Mạnh Bôn – Báo Đầu tư) Có ý kiến cho rằng, cách tính GDP của Việt Nam đã lạc hậu, tính không đủ, còn bỏ sót (chưa tính hết tiêu dùng cá nhân về hàng hóa và dịch vụ), nên GDP thực tế có thể cao hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này? (Phỏng vấn ngày 20 tháng 01 năm 2018)

Trả lời:

(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK) TCTK luôn tuân thủ nghiêm túc các khuyến nghị của Liên hợp quốc trong quá trình biên soạn GDP, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo khá đầy đủ về mặt phạm vi và quy mô.

Việc bỏ sót có thể xảy ra do các tổ chức và cá nhân không cung cấp đầy đủ, chính xác kết quả sản xuất, kinh doanh của họ. Kết quả biên soạn GDP của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế thừa nhận và sử dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Xét về mặt phạm vi, tất cả hoạt động kinh tế đã được quan sát đều được thu thập, thống kê và tính toán vào số liệu thống kê chính thức.

Chỉ tiêu Tiêu dùng cá nhân về hàng hóa và dịch vụ – một yếu tố cấu thành của phương pháp tính GDP theo phương pháp sử dụng, cũng đã được tính từ các nguồn thông tin, bao gồm tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, điều tra chi tiêu của hộ gia đình, tiêu dùng các sản phẩm tự sản xuất tự tiêu dùng và nhà tự có để ở; do đó không bị bỏ sót.

Bên cạnh đó, tương tự nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại một số hoạt động kinh tế chưa quan sát được.

Đối với các hoạt động này, chúng tôi đã nghiên cứu và soạn thảo Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam”, nhằm tính toán bổ sung vào quy mô GDP trong thời gian tới.