Đánh giá về áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021. Và chúng ta có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% do Quốc hội đặt ra

Câu hỏi:  (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN)  Các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021? Và chúng ta có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% do Quốc hội đặt ra hay không? (Nguồn: https://bnews.vn/van-con-ap-luc-lam-phat-nam-2021/195171.html)

Trả lời:

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất kể từ năm 2016, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.

CPI sẽ tăng dần là do một số yếu tố chủ yếu như: các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới.
Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021.

Cùng với đó, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Hiện nay, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Giá dầu Brent bình quân 4 tháng đầu năm đạt khoảng 62 USD/thùng, tăng gần 24% so với tháng 12/2020 và tăng trên 49% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 sẽ đạt khoảng 60 USD/thùng, tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020.

Bên cạnh đó, các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên. Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

Do đó, các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp. Mặt khác, liên Bộ Công Thương- Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.

Quan sát kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, chúng tôi tin là mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được.