Hiện nay, đo lường nghèo đa chiều của Việt Nam tập trung ở lĩnh vực nào?

Câu hỏi: (PV Thanh Hương-VOV2) Hiện nay, đo lường nghèo đa chiều của Việt Nam tập trung ở lĩnh vực nào?

Trả lời:

(Ông Đỗ Anh Kiếm, Vụ trưởng vụ TK Xã hội và Môi trường, TCTK)

Trước năm 2016, chúng ta đo lường nghèo một chiều dựa trên thu nhập, đến năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định 1644 và quy định 59 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, nghèo theo hướng đa chiều nhưng không thực chất là đa chiều, đây là sáng tạo của Việt Nam là lồng ghép cả thu nhập với tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Như vậy, có 2 chiều lớn, thứ nhất là thu nhập và thứ hai là các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin. Trong mỗi lĩnh vực này có 2 chỉ số như vậy chỉ số đo lường các dịch vụ xã hội cơ bản có tổng là 10 chỉ số. Qua số liệu khảo sát mức sống dân cư qua các năm thì năm 2016 nghèo đa chiều bắt đầu tính là 9,2%, năm 2017 là 7,9%, năm 2018 là 6,8% có xu hướng tốt. Trong nghèo đa chiều thì mảng thu nhập là mảng thiếu hụt nhiều nhất (năm 2016 là 9,2% là nghèo, trong đó 7,3% thiếu hụt thu nhập và 4% thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; năm 2017 là 7,9% là nghèo, trong đó 6,4% thiếu hụt thu nhập; năm 2018 là 6,8% là nghèo, trong đó 4,31% thiếu hụt thu nhập). Trong các dịch vụ xã hội cơ bản thì tiếp cận bảo hiểm y tế là thiếu hụt nhiều nhất, tiếp đến là hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh.