Hội nghị cải thiện Năng suất lao động quốc gia

Sáng ngày 7/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp; và một số cơ quan thông tấn báo chí tới đưa tin.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì tăng NSLĐ đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Ở Việt Nam, NSLĐ xã hội là một chỉ tiêu thuộc Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê) được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Phương pháp tính này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.

Tại Hội nghị, sau lời phát biểu khai mạc của Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá thực trạng NSLĐ của Việt Nam, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến NSLĐ và đề ra các giải pháp cải thiện NSLĐ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng quan “NSLĐ và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng NSLĐ của Việt Nam” của Tổng cục Thống kê; báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp tăng NSLĐ” của Bộ Khoa học và Công nghệ; báo cáo “Mô hình kinh tế mới và tác động đến NSLĐ” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; phát biểu của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; phát biểu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; tham luận “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động quốc gia” của Giám đốc, Hiệu trưởng Đại học Anh Quốc Việt Nam; tham luận “Năng suất lao động dưới góc độ của CEO điều hành trực tiếp việc sản xuất kinh doanh” của Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 định hướng lớn trong thời gian tới: (1) Cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực quản trị nhà nước, quản trị nền kinh tế; (2) Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động; (3) Cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường; (4) Cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước, khơi thông các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ khu vực tư nhân, hợp tác xã trở thành động lực của nền kinh tế, thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp; (5) Ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, có tính lan tỏa, những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tốt, thúc đẩy NSLĐ trong nước; (6) Tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng thương mại tự do, tận dụng các dòng chảy thương mại để cải thiện NSLĐ quốc gia. Thủ tướng chính thức phát động Phong trào NSLĐ quốc gia: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia tích cực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ, cùng nhau tạo nên cuộc bứt phá mới trong NSLĐ đưa đất nước vượt lên phát triển nhanh và bền vững”.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Đoàn Chủ tọa điều hành Hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày báo cáo tổng quan tại Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Thái Học