Hội nghị tập huấn điều tra người khuyết tật năm 2023 và điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam
Tham dự Hội nghị có ông Phan Quý Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Thanh Dương, Nguyễn Trung Tiến; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng CNTT thống kê, một số đơn vị liên quan thuộc TCTK; Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ của 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại diện một số Bộ, ngành có liên quan; Đại diện tổ chức quốc tế UNDP và UNICEF…
Điều tra người khuyết tật năm 2023 là cuộc điều tra có chu kỳ thực hiện 5 năm một lần vào các năm có số tận cùng là 3 và 8. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm: (i)Thông tin thu thập để biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia về người khuyết tật; (ii)Thông tin thu thập về người khuyết tật phục vụ hoạch định chính sách đảm bảo quyền của người khuyết tật, giám sát và đánh giá việc thực hiện pháp luật của Việt Nam, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về người khuyết tật.
Điều tra chi tiêu của khách du lịch và khách quốc tế đến Việt Nam là cuộc điều tra được cải tiến, lồng ghép từ hai cuộc điều tra: Điều tra hộ gia đình thu thập thông tin về du lịch, Điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành tại Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tin của cuộc điều tra này chưa được thu thập trong 02 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam được thực hiện nhằm các mục đích chính: (i) Thông tin thu thập làm cơ sở tính mức chi tiêu bình quân chung và cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam; (ii) Phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu chủ yếu về du lịch, xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ du lịch.
Với những nội dung quan trọng của hai cuộc điều tra trên và để Hội nghị tập huấn đạt kết quả tốt, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị các giảng viên cần truyền đạt đầy đủ nội dung chính của các phương án điều tra, tập trung nhấn mạnh những sự đổi mới của các phương án, quy trình thực hiện đối với những cuộc điều tra sử dụng phiếu điện tử như: Rà soát mẫu điều tra; kiểm tra phát hiện lỗi; sự phối hợp giữa các bộ phận trong thực hiện điều tra…; tích cực tương tác với các đại biểu tham dự, đặt các câu hỏi thảo luận và nắm bắt tiến độ của các đại biểu ở hội trường để kịp thời hỗ trợ… Đặc biệt, nội dung điều tra người khuyết tật năm 2023 phức tạp, bảng hỏi dài của quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật phỏng vấn, do đó, cần tập huấn và thực hành kỹ các nội dung phiếu hỏi.
Đối với các đại biểu tham dự tập huấn, Tổng cục trưởng đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Cục Thống kê cấp tỉnh tiếp thu đầy đủ các nội dung và yêu cầu của các phương án để tổ chức chỉ đạo tốt 02 cuộc điều tra này tại địa phương theo nội dung công việc và tiến độ được quy định; chỉ đạo các đại biểu ở địa phương mình tham gia tập huấn đầy đủ đúng thành phần, đúng giờ; Các giám sát viên cấp Trung ương, cấp tỉnh và các đại biểu liên quan cần tập trung tiếp thu những nội dung truyền tải, linh hoạt, tích cực liên hệ thực tế địa phương để thực hành…
Về công tác tổ chức, chỉ đạo giám sát, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị, việc kiểm tra giám sát được thực hiện toàn diện, triệt để ngay từ việc tổ chức các lớp tập huấn đến công tác thu thập thông tin, kiểm tra xử lý số liệu; Quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng phiếu phải được thực hiện liên tục ngay trong quá trình thu thập thông tin…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cũng cho biết, đối với Điều tra người khuyết tật năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành điều tra 1350 hộ trên 54 địa bàn. Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 29 nghìn người khuyết tật, chiếm khoảng 2,56% dân số toàn tỉnh, trong đó số người khuyết tật trong cộng đồng là trên 28 nghìn người và ở các cơ sở bảo trợ xã hội trên 800 người. Số người khuyết tật đặc biệt nặng: 4.468 (chiếm 20%), khuyết tật nặng 20.582 người (71%), khuyết tật nhẹ: 3.856 người (9%). Trong tổng số người khuyết tật có 24.706 người đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội; 1.205 người hưởng chính sách đối với người có công cách mạng; 405 người hưởng chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội; 119 người được miễn giảm học phí; 2,471 người đang hưởng các chính sách khác… Tỷ lệ người khuyết tật hưởng chính sách trợ giúp xã hội cao hơn so với các chính sách khác thể hiện mực độ bao phủ, phù hợp của chính sách này trong việc trợ giúp các đối tượng yếu thế nói chung, người khuyết tật nói riêng. Do đó, số liệu Điều tra khuyết tật năm 2023 sẽ là cơ sở để địa phương xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Phan Quý Phương cũng đánh giá cao vai trò công tác thống kê, trong những năm qua, được sự hỗ trợ tích cực và phối hợp thiết thực giữa TCTK và UBND tỉnh, thành phố trong việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực thống kê, Tỉnh luôn xem các chỉ tiêu tổng hợp quan trọng do ngành Thống kê cung cấp là con số “Pháp lệnh” để sử dụng vào mục đích điều hành kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, ngành Thống kê Tỉnh luôn biên soạn đầy đủ số liệu, hoàn thành báo cáo phân tích kinh tế tổng hợp, phục vụ văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ; phục vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết, UBND tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của địa phương…