Hội thảo Tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em

Ngày 07 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1023/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21 tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện các bộ, ngành và một số địa phương lân cận Hà Nội; đại diện các hiệp hội; đại diện các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đến từ Văn phòng ILO tại Geneva, Thụy Sĩ.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo lần này là một trong những hoạt động nhằm thực hiện công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam thông qua hỗ trợ sửa đổi, bổ sung pháp luật về trẻ em với những nội dung liên quan tới lao động trẻ em và người chưa thành niên và hỗ trợ chuẩn bị cho điều tra về lao động trẻ em năm 2018. Nội dung của Hội thảo tập trung vào các vấn đề: (1) Chia sẻ các quy định pháp luật của Việt Nam về cách nhận dạng lao động trẻ em tại Việt Nam và các thách thức; (2) Các điểm liên quan trong Công ước quốc tế của ILO (Công ước ILO 138 về độ tuổi tối thiểu và Công ước ILO 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất) đã được Việt Nam ký kết; (3) Cập nhật tình hình lao động trẻ em trên thế giới và các thảo luận quốc tế mới nhất về định nghĩa và thống kê về lao động trẻ em, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và áp dụng các định nghĩa về lao động trẻ em vào khảo sát lao động trẻ em; (4) Các khuyến nghị đối với việc bổ sung các quy định của khung pháp lý tại Việt Nam để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Báo cáo ước tính toàn cầu về lao động trẻ em: Kết quả và xu hướng 2012-2016 của ILO, thế giới có 218 triệu trẻ em làm việc, trong đó gần 152 triệu trẻ em đang tham gia lao động trẻ em (73 triệu trẻ em trong số này tham gia các công việc nguy hiểm). Như vậy, số lượng lao động trẻ em đã giảm đáng kể, từ 246 triệu năm 2000 xuống còn 152 triệu năm 2016. Tại Việt Nam, theo Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ILO và Tổng cục Thống kê thực hiện, có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu tham dự đều cho rằng, để đánh giá về lao động trẻ em cần phải có các khái niệm và đo lường thống kê về lao động trẻ em tại Việt Nam. Từ chia sẻ của các chuyên gia ILO, Nghị quyết về thống kê lao động trẻ em của Hội nghị quốc tế các nhà thống kê lao động lần thứ 18 đã xác định khuôn khổ đo lường thống kê về lao động trẻ em được cấu thành từ hai yếu tố chính gồm: (i) Tuổi của trẻ em; và (ii) Các hoạt động sản xuất do trẻ em thực hiện bao gồm tính chất và điều kiện mà những hoạt động đó được thực hiện, cùng với thời gian trẻ em tham gia vào việc thực hiện những hoạt động đó. Theo đó, khái niệm rộng nhất liên quan đến đo lường lao động trẻ em là trẻ em trong các hoạt động sản xuất, nghĩa là trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động nào nằm trong ranh giới sản xuất nói chung như được định nghĩa trong hệ thống tài khoản quốc gia. Điều này bao gồm trẻ em đang làm việc và trẻ em trong các hoạt động sản xuất khác.

Trẻ em đang làm việc là trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động nào nằm trong ranh giới sản xuất nói chung trong hệ thống tài khoản quốc gia trong ít nhất 1 giờ trong giai đoạn tham chiếu.

Trẻ em trong các hoạt động sản xuất khác bao gồm trẻ em thực hiện các dịch vụ gia đình không được thanh toán, nghĩa là, việc sản xuất các dịch vụ gia đình và cá nhân bởi một thành viên gia đình để tiêu dùng trong chính gia đình mình, thường được gọi là “việc nhà”. Ngược lại, việc thực hiện các dịch vụ gia đình trong một hộ gia đình thứ ba, dù được trả công hay không, cũng nằm trong ranh giới sản xuất của hệ thống tài khoản quốc gia.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế của ILO, các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị cho việc hướng dẫn xác định lao động trẻ em, sửa đổi quy định liên quan tới lao động trẻ em trong các văn bản quy định của pháp luật… Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, những thông tin được đưa ra từ Hội thảo đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động trẻ em.

ĐBH